Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/2/2023
(PetroTimes) - Thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa EVN và doanh nghiệp Bỉ; Gazprom sớm triển khai đường ống dẫn khí đến Trung Quốc; Moldova muốn xem xét lại hợp đồng khí đốt với Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 20/2/2023.
Nga và Trung Quốc xây đường ống dẫn khí Soyuz Vostok qua Mông Cổ. Ảnh: Gazprom |
Thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa EVN và doanh nghiệp Bỉ
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân vừa làm việc với ông Bernerd Da Santos - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa 2 tập đoàn.
Ông Bernerd Santos cho biết, tại Việt Nam, AES cùng các nhà đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Mông Dương 2, công suất 2x560 MW tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2011, đã phát điện thương mại trong năm 2015. Tiếp đó, năm 2019, AES và Bộ Công Thương đã kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển dự án nhà máy điện BOT Sơn Mỹ 2 (3x750 MW) sử dụng nhiên liệu LNG từ dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ. Hiện nay, dự án này đang triển khai.
Đối với các đơn vị của EVN, AES và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã phối hợp nghiên cứu dự án hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) trên đảo Phú Quý và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này. Trong thời gian tới, AES sẽ tiếp tục đầu tư dự án điện gió 4GW ngoài khơi tại Bình Thuận; chú trọng phát triển công nghệ sản xuất BESS…
Gazprom sớm triển khai đường ống dẫn khí đến Trung Quốc
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Gazprom, Giám đốc điều hành Tập đoàn Khí đốt Gazprom (Nga) Alexei Miller tuyên bố, tập đoàn này sẵn sàng triển khai các dự án đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia-2 và Liên minh phương Đông (Soyuz Vostok).
Hồi tháng 9/2022, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Alexander Novak tuyên bố, tuyến đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia-2 có thể thay thế đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Việc xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia-2 được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu.
Sức mạnh Siberia-2 là tuyến đường ống dẫn khí nối các mỏ ở Siberia với khu tự trị Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc. Chiều dài đường ống dự kiến khoảng 6.700km. Trong khi đó, tuyến đường ống Liên minh phương Đông sẽ tiếp nối đường ống Sức mạnh Siberia-2 đến miền Tây Trung Quốc qua Mông Cổ.
IAEA thảo luận với Iran về thông tin làm giàu uranium cao bất thường
Ngày 19/2, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết "IAEA đã biết về các thông tin gần đây trên phương tiện truyền thông liên quan đến mức độ làm giàu uranium ở Iran," đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này đang "thảo luận với Iran về kết quả của các hoạt động xác minh gần đây và sẽ thông báo cho Hội đồng Thống đốc IAEA khi thích hợp".
Hãng thông tấn IRNA ngày 20/2 dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi khẳng định: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để làm giàu (urani) ở mức tinh khiết trên 60%. Sự hiện diện của các hạt làm giàu ở mức trên 60% không đồng nghĩa với việc sản xuất urani làm giàu trên 60%”.
Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng các thanh sát viên của IAEA tại Iran tuần trước đã phát hiện uranium được làm giàu tới độ tinh khiết 84%. Lần gần nhất Iran được biết đã làm giàu tới 60%, trong khi ngưỡng 90% là cần thiết để sử dụng trong vũ khí.
Moldova muốn xem xét lại hợp đồng khí đốt với Nga
Ngày 19/2, Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov đã ủng hộ việc xem xét lại các hợp đồng với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng như với đơn vị vận hành nhà máy điện GRES của Moldova tại khu vực ly khai Transnistria.
Phát biểu trên kênh truyền hình Publika, Bộ trưởng Parlikov nhấn mạnh: “Các hợp đồng đã được ký kết trong một thời hạn nhất định, nhưng chắc chắn sẽ cần được xem xét, suy nghĩ lại. Vấn đề này không chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ Năng lượng, đây là vấn đề phức tạp. Cần tính đến quan hệ với khu vực Transnistrian".
Moldova đang đối mặt khủng hoảng năng lượng. Là nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, nên việc Moskva giảm 50% lượng khí đốt vận chuyển trong tháng 11/2022 đã khiến nước này gặp nhiều khó khăn về nguồn cung khí đốt. Khó khăn càng thêm chồng chất với nguồn cung điện đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ của Moldova từ Ukraine cũng hoàn toàn không còn, trong khi 70% nguồn cung điện còn lại của Moldova là từ nhà máy nhiệt điện ở Transnistria.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/2/2023 |
H.T (t/h)