Cồn Cỏ - Đảo ngọc giữa biển khơi
(PetroTimes) - Mênh mông biển bạc, hòn đảo tiền tiêu vẫn vững chãi giữa những sóng gió và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để trở thành một điểm du lịch và những người giữ đảo đã khiến cho hòn đảo thêm đáng sống hơn.
Rực rỡ giữa trùng khơi
Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) gần 30km, còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ, hay Hòn Mệ. Hòn đảo nơi cửa ngõ tiền tiêu của Vịnh Bắc Bộ cũng từng có một lịch sử oai hùng, là nơi ghi dấu những năm tháng lịch sử chiến đấu anh hùng của dân tộc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Không chỉ nổi tiếng từ những năm tháng còn chiến tranh, Cồn Cỏ còn được biết đến là một hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, hải sản quý hiếm. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, của đời người, bây giờ cuộc sống trên đảo đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết trong bút ký “Cồn Cỏ ngày thường” rằng, “Cồn Cỏ không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liền. Nhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo…”. Cuộc sống của cư dân nơi đây cũng không khác gì trong đất liền, cũng có những nhà hàng rộng rãi, những quán cà phê nhạc xập xình, đủ loại hải sản như bào ngư, tôm cá. Ngoại trừ những thứ hải sản, các loại mặt hàng khác có giá cao hơn so với đất liền bởi khoảng cách biển trời nhưng không đến nỗi quá đắt đỏ.
Đảo Cồn Cỏ giữa biển xanh (ảnh: Minh Dy) |
Ở đây, khí hậu phân chia thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa khô và mùa mưa. Về mùa khô, khí hậu thời tiết khắc nghiệt kéo dài, toàn bộ cây cối, rau xanh nằm ở trên đảo đều bị cháy khô, chỉ còn lại màu xanh của cây phong ba, bàng vuông. Mùa mưa thì càng khó khăn hơn, khi những đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài, tàu cung ứng lương thực thực phẩm không ra được. Hiện tại dân số trên hòn đảo này gồm khoảng hơn 600 người. Trong khi đó 98% tập trung ở bãi biển gần cầu cảng. Số còn lại sống rải rác trên các bãi khác phục vụ du lịch.
Một người đàn ông trên đảo hồ hởi khoe: “Các anh thấy hòn đảo của chúng tôi có đẹp không? Có đáng được gọi là thiên đường du lịch không?”. Thấy tôi gật gù, ông ra chiều rất đắc ý. Ông cho biết, nghề chính trên đảo chỉ là đi biển và làm du lịch. Chuyện làm du lịch thì chúng tôi đã thấy. Còn chuyện đi biển thì sao?! Ông bảo: “Ở đảo mà không đi biển thì đâu phải là dân đảo. Ở đây phần lớn là những người theo nghiệp biển, có người tới 4-5 đời rồi các anh ạ. Biển với chúng tôi là một mà!”.
Hải đăng Cồn Cỏ |
Vào mùa cao điểm du lịch hè, Cồn Cỏ đón lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; đặc biệt vào dịp cuối tuần, các điểm du lịch, nhà nghỉ, homestay luôn trong tình trạng kín chỗ. Theo thống kê, trong năm 2022, đảo Cồn Cỏ đón hơn 8.000 lượt khách. Tổng doanh thu các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đảo ước đạt gần 10 tỉ đồng. Dân số ít và dịch vụ trên đảo còn thiếu nên việc đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ luôn được quan tâm.
Hiện nay trên địa bàn huyện đảo có 4 nhà nghỉ với tổng cộng 48 phòng và 5 dịch vụ homestay của các hộ gia đình, ngoài ra có 2 tàu phục vụ đi lại tuyến du lịch Cửa Việt - Cồn Cỏ (tàu Conco Tourist với sức chở 80 khách, tàu Chính Nghĩa 02 với sức chở 156 khách). Có 5 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, đảm bảo phục vụ cho 500 khách cùng lúc với những món ăn đặc trưng của đảo như hàu, ốc, rong nho, mực, cá các loại… với các loại hình dịch vụ hỗ trợ du lịch như cho thuê tàu đi quanh đảo câu cá, lặn ngắm san hô, cho thuê võng, lều bạt, các dịch vụ thể thao tại đảo… cũng được triển khai. Trong mùa cao điểm năm 2022, UBND huyện đảo Cồn Cỏ cũng đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng của huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Cồn Cỏ đang xây dựng để trở thành một điểm du lịch biển đảo xanh và bền vững |
Đêm đảo nhỏ yên bình, chỉ có những tiếng sóng vỗ dạt dào vào các ghềnh đá như tiếng ru của biển tự ngàn xưa. Đảo thu mình lại trong giấc ngủ sau một ngày chào đón khách, chỉ còn có mắt biển trên đảo vẫn chớp nháy những luồng sáng ra xa để hướng dẫn tàu thuyền. Xa xa, ánh sáng của những chiếc thuyền câu mực ban đêm lóng lánh như những đàn đom đóm lập lòe giữa đêm biển đen đặc. Đứng giữa đất trời và biển cả mênh mông như thế, mới thấy đất nước mình đẹp vô cùng.
“Mắt ngọc” của biển
Trong nhà đèn Cồn Cỏ, có những người gác đèn biển cô đơn trước thềm sóng. Nhà đèn Cồn Cỏ, hay hải đăng Cồn Cỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2007, với chiều cao toàn bộ 27,2m tính đến mặt đất, chiều cao tầm sáng 76m tính đến mực “O” hải đồ. Hải đăng Cồn Cỏ được ví là “mắt ngọc” giữa trùng khơi, có tác dụng báo vị trí đảo Cồn Cỏ, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Trị định hướng và xác định vị trí… Hằng ngày, những người canh giữ đèn biển ở đây thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại trạm, bất kể trời mưa, nắng hay sóng gió bão bùng giữa mênh mông biển khơi.
Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ là một trong những cột cờ lớn trên các đảo ven biển Việt Nam với chiều cao 38,8 m và quốc kỳ rộng 24m2 |
Ngoài việc luôn lau chùi, bảo quản đèn thường xuyên, những người giữ đèn biển phải thay nhau kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy để đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Để ngọn hải đăng không bao giờ tắt trong mọi hoàn cảnh, tất cả phải làm việc ngày đêm trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với
ắc quy, axít và thiết bị máy móc, những vật dẫn điện. Chỉ một chút lơ là, để hệ thống đèn sáng báo tín hiệu xảy ra sự cố thì nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn đối với các tàu là khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm biển động, mùa mưa.
Cán bộ chiến sĩ tại Đồn biên phòng Cồn Cỏ hướng dẫn ngư dân đảm bảo ngư trường và tuân thủ việc khai thác thủy sản |
Cán bộ chiến sĩ tại Đồn biên phòng Cồn Cỏ tăng gia sản xuất để tự cung ứng lương thực trong những ngày biển động |
Những người làm việc ở Trạm đèn biển Cồn Cỏ đều sống xa gia đình, người gần nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, còn lại ở các tỉnh xa hơn như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định. Sau những ca trực, 6 người canh giữ hải đăng lại gọi điện về cho gia đình ở đất liền, để được nghe đứa con nhỏ kể chuyện lớp, chuyện trường, để được nghe người mẹ già thủ thỉ dặn dò, hay người vợ hỏi han chuyện ở đảo. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong lòng mỗi người.
Anh Hoàng Văn Biên - Trạm trưởng Trạm hải đăng Cồn Cỏ - người có hơn 20 năm công tác trong nghề chia sẻ, dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn và xa gia đình nhưng những người canh giữ ngọn hải đăng trên huyện đảo Cồn Cỏ không quản ngại gian khó để giữ cho ngọn “đèn biển” được sáng mãi giữa biển khơi. Với người giữ đèn biển, ngọn hải đăng đêm đêm tỏa sáng không chỉ định hướng cho tàu thuyền giữa đại dương bao la mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển, đảo quê hương.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: Huyện đảo Cồn Cỏ liên tục huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững. Cùng với đó, từng bước tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhân dân, các hộ gia đình kinh doanh du lịch đối với việc phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện, nước, thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, hướng tới mỗi người dân là một đại sứ du lịch Cồn Cỏ. |
Biển là nhà
So với những cán bộ chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 hay những đảo xa khác thì cuộc sống của cán bộ chiến sĩ tại Đồn biên phòng Cồn Cỏ không đến nỗi quá gian khổ. Mặc dù vậy, cuộc sống của những người lính ấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cam go. Nhưng không vì thế mà các anh lơ là nhiệm vụ dù chỉ một phút.
Sống trên huyện đảo, không chỉ có nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình mà các anh còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Giữa bốn bề sóng biển, việc luôn trữ nước mưa, tự túc lương thực và trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày là điều bắt buộc đối với mỗi người lính. Nhớ nhất là lúc sóng to, gió lớn, biển động mạnh, tàu tiếp tế không thể ra đảo được khiến lương thực, thực phẩm của người dân trên đảo hết sạch, những người lính lại chia sẻ, rồi cùng động viên nhau cố gắng bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ.
Với người dân Cồn Cỏ, làm du lịch là nghề thuộc hàng “cung đình” so với nghề đi biển, nhưng cũng chỉ mới ngót nghét chục năm trở lại đây thôi, còn trước đó, từ người già đến trẻ con đều lấy mũi tàu làm hướng mưu sinh. Khi mặt trời đã gác mái triền tây, mấy lão làng trong nghề đi biển của xứ đảo này bày mâm cơm cũng toàn đồ biển rồi chuyện trò rôm rả. Các vị lão làng đã ở tuổi “tri thiên mệnh” kể cho chúng tôi nghe chuyện đi khơi về lộng ngày trước mà thấy lạnh cả sống lưng. Bởi ngày xưa thuyền đi lộng, đi khơi không thể sánh được như bây giờ, chủ yếu là thuyền buồm nương theo sức gió, vậy mà các cụ vươn tới cả bãi “cát vàng” (tức Hoàng Sa) mà đánh bắt.
Ngư dân Lê Viết Hoàng (62 tuổi) là ngư dân kỳ cựu và có tiếng “sát cá” của ngư trường Cồn Cỏ này. Đã 62 tuổi nhưng ông đã có hơn 35 năm bám biển, trong đó 20 năm làm thuyền trưởng tàu cá chuyên bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đang sở hữu đội tàu công suất lớn. Đời cha ông đã gắn với biển, rồi tới ông cũng trưởng thành từ những chuyến đi biển như thế này. Ông Hoàng cho biết: “Đời cha, đời ông mình đi biển bằng những con tàu nhỏ cũ kỹ mà vẫn vươn tới được Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu của mình to hơn, nhiều người hơn lại được trang bị nhiều thiết bị tối tân hơn thì phải làm tốt hơn. Dù có sóng gió bão biển nhưng vẫn ra biển không một ngày ngưng nghỉ. Phía sau mình còn là hậu phương. Còn là gia đình và cả Tổ quốc nữa!”.
Đã bao đời qua, người dân đất đảo Cồn Cỏ vẫn đắm mình với cuộc sống mưu sinh, dù biển có dậy sóng nhưng những quân, dân đất đảo vẫn can trường, cần cù bám biển, sống với biển và vươn lên cùng biển. Và ở đó, bất chấp sóng gió, bất chấp những biến động cả về thời tiết và chính trị, những ngư dân vẫn miệt mài bám biển vươn khơi, khẳng định sức sống và chủ quyền đất nước nơi mênh mông ấy.
Lúc chia tay, những cư dân trên đảo ra tiễn chúng tôi bằng những nụ cười và ánh mắt hân hoan, bằng cả những cái bắt tay trìu mến và những lời chúc mộc mạc, giản dị của người dân vùng biển. Tàu chầm chậm rời khỏi đảo, vẫn thấy luyến tiếc vì thời gian không đủ để có thể khám phá hết được những vẻ đẹp còn tiềm ẩn nơi đây. Trong ánh nắng ban mai, Cồn Cỏ nổi lên trên mặt biển đẹp rạng rỡ như nàng tiên cá trên biển, sóng sánh và huy hoàng…
Đã bao đời qua, người dân đất đảo Cồn Cỏ vẫn đắm mình với cuộc sống mưu sinh, dù biển có dậy sóng nhưng những quân, dân đất đảo vẫn can trường, cần cù bám biển, sống với biển và vươn lên cùng biển. |
Khám phá những bãi biển hoang sơ hấp dẫn du khách ở vùng “đất lửa” |
Thắp sáng ánh điện hòn đảo ngọc Cồn Cỏ |
Đình chỉ hoạt động khu du lịch Đảo Ngọc Xanh |
Tiêu Dao