Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/2/2023
(PetroTimes) - Sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu phải hài hòa lợi ích 3 bên; OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng; Nga sẽ cung cấp 80% lượng dầu xuất khẩu đến các nước thân thiện… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/2/2023.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ gia tăng và đạt các mức trước đại dịch Covid-19 trong năm nay. Ảnh: Energyintel |
Sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu phải hài hòa lợi ích 3 bên
Tại Hội thảo Góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sáng 14/2, hàng trăm doanh nghiệp (DN) bán lẻ, thương nhân phân phối và đầu mối kinh doanh xăng dầu đều chung kiến nghị sửa đổi Nghị định phải đảm bảo thị trường vận hành ổn định, công tác quản lý, điều hành đạt được mục tiêu “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cho cả 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hầu hết các phát biểu đại diện cho khối doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều cho rằng, việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu thời gian qua là khá cứng nhắc. Trong khi DN bán lẻ “không được nghỉ bán” để đảm bảo cung hàng cho thị trường nhưng lại bị thương nhân phân phối áp “chiết khấu 0 đồng” nên chịu lỗ lớn, khiến nhiều DN quá sức chịu đựng. Vì vậy, DN bán lẻ đề nghị cần xác lập rõ vai trò, vị trí của hệ thống DN, cửa hàng bán lẻ trong thị trường xăng dầu và được quy định cụ thể trong Nghị định.
Góp ý vào Dự thảo, một số chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi phải đảm bảo thị trường hơn. Cần tách bạch các yếu tố thuế, phí ra khỏi giá cơ sở sẽ giúp cho cả nhà điều hành dễ dàng hơn trong quản lý, đồng thời đưa giá xăng dầu tiệm cận với giá thế giới.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng
Tại Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Ai Cập (EGYPS) 2023 với chủ đề "Bắc Phi và Địa Trung Hải: Hỗ trợ cung và cầu năng lượng toàn cầu bền vững", Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais cho biết tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ gia tăng và dự kiến đạt các mức trước đại dịch Covid-19 trong năm nay.
Quan chức OPEC lưu ý rằng ngành dầu mỏ thế giới cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ lên tới hơn 12.000 tỷ USD vào năm 2045, với mức 500 tỷ USD mỗi năm. Ông Al Ghais khẳng định cam kết của OPEC trong việc đảm bảo sự ổn định của thị trường và nguồn vốn đầu tư cho ngành dầu mỏ, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của thế giới và giảm thiểu lượng phát thải carbon.
Ngoài ra, Tổng Thư ký OPEC cũng kêu gọi tất cả những nước quan tâm đến biến đổi khí hậu xem xét vấn đề này ở góc độ khác và hướng tới một quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho tất cả mọi người.
Nga sẽ cung cấp 80% lượng dầu xuất khẩu đến các nước thân thiện
Trong bài báo đăng trên tạp chí Chính sách Năng lượng, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, hiện nay Nga đang nỗ lực xoay trục xuất khẩu năng lượng của mình sang các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva. Ông cho hay Chính phủ Nga có kế hoạch xuất khẩu hơn 80% lượng dầu và 75% sản phẩm dầu sang các nước thân thiện.
Theo Phó Thủ tướng Novak, sản lượng khai thác dầu của Nga năm 2022 là hơn 535 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Xuất khẩu dầu tăng 7,6% lên 242 triệu tấn. Ông cũng lưu ý, năm ngoái, để định hướng lại nguồn cung cho các nước thân thiện, một dự án đã được triển khai để tăng cường vận chuyển theo hướng cảng Kozmino (ở vùng Primore), đảm bảo tăng vận chuyển dầu đến các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên đến 42 triệu tấn mỗi năm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Novak đã tuyên bố, “Nga sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3. Điều này sẽ góp phần khôi phục quan hệ thị trường”. Trong các quyết định tiếp theo, Nga sẽ tùy theo tình hình trên thị trường. Trước tin này, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 4 trên sàn giao dịch ICE ở London đã tăng hơn 2%, lên hơn 86 USD/thùng.
Xuất hiện tình trạng “lừa đảo năng lượng” tại CH Czech
Truyền thông Cộng hòa Czech (Séc) hiện đang cảnh báo tình trạng “lừa đảo năng lượng” liên quan tới việc áp giá trần đối với điện và khí đốt tại nước này, khi các đối tượng lợi dụng chính sách giá trần để lừa khách hàng ký hợp đồng mới bất lợi, thậm chí kèm theo đe doạ cắt nguồn cung.
Trong năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy giá điện và khí đốt tăng cao khiến Chính phủ Czech phải thông qua chính sách áp giá trần. Tất cả khách hàng đều được hưởng lợi từ chính sách nên không cần phải xin hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, một số đối tượng tìm cách tiếp cận khách hàng, đe dọa khách hàng sẽ không nhận được hỗ trợ của nhà nước nếu không ký vào các tài liệu được cung cấp. Thực chất, khách hàng bị lừa ký hợp đồng với một nhà cung cấp mới kèm những điều khoản bất lợi hơn.
Trong khi đó, Văn phòng Điều tiết Năng lượng (ERU) của Czech cho biết đã phát hiện các hành vi trái pháp luật của một số nhà cung cấp năng lượng. Một số công ty năng lượng đe doạ người tiêu dùng sẽ cắt nguồn cung điện hoặc khí đốt nếu không trả một khoản tiền đặt cọc. ERU khẳng định thủ tục này có thể vi phạm pháp luật và cảnh báo chỉ được đưa ra khi người tiêu dùng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/2/2023 |
H.T (t/h)