Tin tức kinh tế ngày 4/2: Mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9%
(PetroTimes) - Bộ Tài chính “từ chối” điều hành giá xăng dầu; Mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9%; Giá sầu riêng tăng cao kỷ lục… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/2.
Mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9% (Ảnh minh họa) |
Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm mạnh
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay tiếp đà giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 48,3 USD, xuống còn 1.864,3 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng 4/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,70 - 67,50 triệu đồng/lượng, giảm 300 nghìn đồng/lượng so với phiên hôm qua.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 66,65 - 67,50 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Bộ Tài chính “từ chối” điều hành giá xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, cơ quan này đề nghị sửa đổi Nghị định 95 để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 54 thị trường
Một trong những kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2022 là xuất siêu. Xuất siêu năm 2022 cao hơn năm 2021 cả về mức xuất siêu (trên 12,4 tỷ USD so với gần 3,03 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (3,3% so với 0,9%).
Trong 85 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 54 thị trường, trong đó có 18 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD; 14 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 2 tỷ USD; 6 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 5 tỷ USD và 3 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 9 tỷ USD là Mỹ, Hà Lan và Hồng Kông. Chỉ tính riêng 3 thị trường này, tổng mức xuất siêu đã xấp xỉ 11,4 tỷ USD, gần bằng tổng mức xuất siêu của Việt Nam năm 2022.
Mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9%
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mục tiêu đặt ra là hướng tới việc thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8 - 9%.
Ngoài ra, tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Giá sầu riêng tăng cao kỷ lục
Trong lúc giá sầu riêng bán lẻ trên thị trường từ 110.000 - 120.000 đồng/kg bị người tiêu dùng cho là khá cao thì giá sầu riêng tại nhà vườn đang tăng nóng, có nơi lên đến 180.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do thời điểm này vẫn chỉ là sầu riêng trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn. Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường.
Giá thực phẩm toàn cầu giảm tháng thứ 10 liên tiếp
Chỉ số giá lương thực của FAO, theo dõi hầu hết hàng hóa thực phẩm giao dịch trên toàn cầu, đạt trung bình 131 điểm trong tháng 1 vừa qua, giảm so với mức 132 điểm trong tháng 12 năm ngoái. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
FAO cho hay, giá các mặt hàng dầu thực vật giảm 2%, bơ sữa giảm 1,4% và đường giảm 1,1% đã giúp kéo chỉ số của FAO đi xuống. Trong khi đó, giá thịt và ngũ cốc phần lớn vẫn ổn định.
Tin tức kinh tế ngày 3/2: Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 390 tỷ USD Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 390 tỷ USD; Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch; Thanh long được giá sau Tết… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/2. |
P.V (t/h)