QatarEnergy tham gia thăm dò khí đốt ở Lebanon
(PetroTimes) - Từ hôm 29/1 trở đi, Qatar sẽ tham gia hợp tác với liên doanh giữa hai gã khổng lồ dầu khí TotalEnergies (Pháp) và Eni (Ý) để tiến hành thăm dò hydrocarbon từ một lô khí đốt ở vùng biển phía nam Lebanon, giáp biên giới với Israel.
Trước bối cảnh suy thoái kinh tế, phát hiện khí đốt tương lai sẽ đem lại một luồng gió mới cho Lebanon. Tuy vậy, giới chuyên gia lại tin rằng, Lenanon có thể cần thêm nhiều năm nữa để hoàn tất hoạt động thăm dò.
Tuy vẫn còn đang ở trong tình trạng chiến tranh với nhau, sau một thời gian dài đàm phán với sự trung gian của Mỹ và Liên Hợp Quốc, Lebanon và Israel đã ký một thỏa thuận để phân định biên giới trên biển của họ vào tháng 10/2022.
Vì vậy, Lebanon sẽ bắt đầu thăm dò tiềm năng khí đốt của mỏ Qana. Vì diện tích mỏ trải dài sang lãnh hải của Israel, Lebanon phải trả tiền bồi thường cho Israel.
Vào năm 2022, công ty khai thác khí đốt Novatek (Nga) đã rút khỏi liên doanh trên. Từ giờ, QatarEnergy sẽ nắm giữ 30% cổ phần, còn TotalEnergies nắm 35%, Eni nắm 35%.
Thỏa thuận đã được ký kết tại một buổi lễ được tổ chức ở Beirut, giữa ông Walid Fayad - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Lebanon, ông Saad al-Kaabi - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc điều hành QatarEnergy, cũng như ông Patrick Pouyanné - Giám đốc điều hành của TotalEnergies và ông Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của Eni.
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Qatar nhận định, việc gia nhập tập đoàn là “cơ hội để Qatar hỗ trợ Lebanon trong việc phát triển kinh tế giữa thời gian khó khăn này”.
Chờ kết quả vào cuối năm 2023
Chuyên gia về năng lượng Naji Abi Aad nói với AFP: “Việc Qatar gia nhập liên minh có ý nghĩa đặc biệt về mặt chính trị”. Theo lời giải thích của ông, sự tham gia của tiểu vương quốc giàu khí đốt này “giúp đảm bảo an ninh chính trị”, vì Qatar có mối quan hệ với nhiều nước phương Tây và thậm chí với cả Israel.
Do ảnh hưởng của phong trào Hezbollah đối với nền chính trị, một vài quốc gia vùng Vịnh giàu có đã tẩy chay Lebanon, trong đó có cả Ả Rập Xê-út.
Lebanon đã chia vùng đặc quyền kinh tế trên biển thành 10 lô. Trước khi ký thỏa thuận phân định ranh giới vào tháng 10, Lebanon và Israel đã tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Lô 9 - nơi có mỏ khí đốt Qana.
Liên doanh này cũng phụ trách thăm dò Lô 4, có vị trí xa bờ biển miền trung Lebanon. Hiện liên doanh vẫn chưa có phát hiện khí đốt đủ điều kiện thương mại.
Giám đốc điều hành của TotalEnergies dự kiến rằng quá trình thăm dò mỏ Qana sẽ hoàn tất “trong vòng 12 tháng tới”.
Cũng theo ông, “giàn khoan sẽ được chuyển đến địa điểm trước khi quý III/2023 kết thúc”.
Ông Patrick Pouyanné nói thêm: “Đó không phải là một cái giếng dễ khai thác. Chúng tôi sẽ phải tiêu tốn khoảng 100 triệu USD”. Ông bày tỏ hy vọng rằng, liên doanh sẽ công bố được một phát hiện khí đốt trong vòng một năm.
Vào tháng 11, TotalEnergies và Eni cũng đã ký một Thỏa thuận khung với Israel để triển khai hoạt động thăm dò.
Chưa có cơ sở hạ tầng nào
Theo TotalEnergies, từ giờ, tập đoàn sẽ có cơ hội được khai phá một “tiềm năng khí đốt mới ở cả Lô 9 và ở vùng biển của Israel".
Tiềm năng của mỏ khí Qana trở nên nổi bật nhờ có những dữ liệu phân tích địa chấn. Hiện Lebanon cần xác nhận tiềm năng bằng cách thăm dò thêm.
Doanh nghiệp điều hành mỏ khí Qana cũng phải trả tiền quyền sở hữu mỏ khí cho Israel. Theo văn bản thỏa thuận, chính phủ Israel ước tính sở hữu 17% cổ phần của mỏ khí.
Dù vậy, giới chuyên gia phân tích đều đồng ý rằng, trong trường hợp có phát hiện khí đốt thương mại, Beirut cần thêm nhiều năm nữa để tiến hành khai thác.
Thật vậy, ông Naji Abi Aad nói: “Vấn đề là Lebanon cần có cơ sở hạ tầng để khai thác và xuất khẩu khí đốt. Nhưng hiện nay, Lebanon chưa có nơi nào. Và nếu khí đốt được sử dụng cho mục đích tiêu dùng ở địa phương Lebanon – đất nước với những nhà máy điện gần như ngừng hoạt động vì khủng hoảng kinh tế, quốc gia này cần phải xây dựng một đường ống dẫn khí ven biển để đưa khí đốt đến những nhà máy này”.
Về phần mình, Israel đã bắt đầu khai thác khí đốt và cung cấp cho nước láng giềng Jordan và Ai Cập. Vào tháng 6/2022, Israel đã ký một thỏa thuận về việc hóa lỏng khí đốt tại Ai Cập để gửi bằng đường thủy đến châu Âu.
Ngọc Duyên