Tháng 1/2023, lạm phát tăng 5,1%
(PetroTimes) - Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân đẩy lạm phát tháng 1/2023 lên cao gồm: Tết Nguyên đán, giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục.
Theo đó, Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 01/2023 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 01/01/2023 là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1/2023 tăng 4,89%; Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2022.
Người dân đang lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2023. |
Đáng chú ý, lạm phát cơ bản tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung do giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.
CPI tháng 01/2023 tăng 0,52% (khu vực thành thị tăng 0,52%; khu vực nông thôn tăng 0,51%). So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 01/2023 tăng 4,89%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.
Trong đó, nhóm giáo dục tháng 01/2023 tăng cao nhất với 11,6% so với cùng kỳ năm trước do trong năm học 2021-2022 nhiều địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,94% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,08%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7,0%; giá lương thực tăng 3,74% và thực phẩm tăng 6,11%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,3% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 01/2023 tăng 4,36% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán, giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng Một tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,85%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,8%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,64%;
Nhóm giao thông tháng 01/2023 tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, chủ yếu do giá vé tàu hỏa tăng 28,78%; vé máy bay tăng 67,26%; vé ô tô khách tăng 18%; vé xe buýt công cộng tăng 13,42%; vé taxi tăng 6,22% và vé tàu thủy tăng 3,52%; Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu giảm 7,08% làm cho chỉ số giá nhóm giao thông chỉ tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông tháng 01/2023 giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Có thể thấy rằng, trong tháng 1 vừa qua dù sức mua của người dân được đánh giá là yếu hơn so với mọi năm nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao nguyên nhân chính là do lạm phát và ảnh hưởng từ sự kiềm chế lạm phát trong cả năm 2022. Bởi vậy, đây là thời điểm doanh nghiệp cũng như người dân cần xác định kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, dồn lực cho sản xuất và đầu tư lâu dài.
Thành Công