Bản tin Năng lượng xanh: Masdar (UAE), Ethiopia ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện mặt trời 500 MW
(PetroTimes) - Tuần trước, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết Công ty năng lượng tái tạo Masdar của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ethiopia đã ký một thỏa thuận để cùng phát triển một dự án năng lượng mặt trời với công suất 500 megawatt.
Masdar (UAE), Ethiopia ký thỏa thuận xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời 500 MW
Tuần qua, trên tweeter, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết Công ty năng lượng tái tạo Masdar của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ethiopia đã ký một thỏa thuận để cùng phát triển một dự án năng lượng mặt trời với công suất 500 megawatt.
Động thái này có khả năng cho phép Ethiopia mở rộng đáng kể công suất năng lượng và đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, một phần quan trọng trong nỗ lực công nghiệp hóa của Thủ tướng Abiy Ahmed. Dựa trên dữ liệu từ Công ty Điện lực Ethiopia do nhà nước điều hành, hiện tại, Ethiopia có tổng công suất phát điện lắp đặt khoảng 4.898 MW, với 91% trong số đó đến từ thủy điện.
Thủ tướng Abiy cho biết ông rất vui trước việc ký kết Thỏa thuận phát triển chung (JDA) giữa Chính phủ Ethiopia và Masdar để phát triển hai nhà máy quang điện mặt trời, hai nhà máy sẽ có tổng công suất phát điện là 500 megawatt.
Thủ tướng Abiy không cung cấp thông tin chi tiết về vị trí của các nhà máy hoặc chi phí của chúng. Thủ tướng Abiy cho biết các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 toàn cầu là cơ hội để Ethiopia khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo của mình và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào, sạch và giá cả phải chăng.
Masdar đã và đang thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Châu Phi và các nơi khác. Tuần qua, công ty này cũng đã ký một thỏa thuận với công ty điện lực nhà nước Zesco của Zambia để phát triển các dự án năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD.
Grenergy muốn bán cổ phần thiểu số trong các tài sản năng lượng mặt trời của Tây Ban Nha
Hôm Thứ Ba (24/1), Công ty phát điện tái tạo Grenergy của Tây Ban Nha cho biết đã đặt mục tiêu bán cổ phần thiểu số trong các dự án quang điện ở nước này, xác nhận các thông tin trước đó của giới truyền thông. "Liên quan đến tin tức được công bố trên một số phương tiện truyền thông, Grenergy xác nhận quá trình bán cổ phần thiểu số 1,1 gigawatt-đỉnh (GWp) của các dự án năng lượng mặt trời ở Tây Ban Nha".
Cùng ngày báo Expansion đã đưa tin trước rằng Grenergy đang tìm cách bán 49% cổ phần. Expansion cho biết số cổ phần này sẽ cho phép Grenergy huy động được từ 500 triệu đến 600 triệu Euro.
Công ty đã thuê công ty tư vấn PwC làm cố vấn cho việc bán cổ phần. Một thỏa thuận như vậy sẽ đi theo con đường của đối thủ lớn hơn Iberdrola, tuần trước đã bán 49% cổ phần trong danh mục các nhà máy năng lượng mặt trời và trang trại gió trên bờ ở Tây Ban Nha cho một quỹ tài sản của Na Uy.
Với những đồng bằng đầy nắng, những dòng sông chảy xiết và những sườn đồi lộng gió, Tây Ban Nha đặt mục tiêu sản xuất 2/3 lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2026. Các công ty điện lực trên khắp thế giới đang đầu tư vào quốc gia này để xây dựng cơ sở hạ tầng cho mục tiêu trên.
Công ty hydro HH2E công bố sẽ xây dựng nhà máy lớn thứ hai ở Đức
Công ty năng lượng HH2E cho biết có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất hydro lớn thứ hai ở Đức có thể đạt công suất hơn 1 gigawatt (GW) vào năm 2030 và tiêu tốn hơn 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD).
Nhà máy sẽ được xây dựng ở bang Sachsen của Đức và sẽ được đồng tài trợ bởi HH2E và các cổ đông có trụ sở tại Anh Foresight Group và HydrogenOne Capital Development.
Công ty cho biết thêm quyết định đầu tư cuối cùng dự kiến được đưa ra trong năm 2023. Ở bước đầu tiên, khoảng 230 triệu Euro sẽ được chi để xây dựng một nhà máy sản xuất 100 megawatt vào năm 2025 nhằm cung cấp hóa chất và các công ty vận tải, HH2E cho biết thêm, con số này có thể được tăng lên hơn 1 GW vào cuối thập kỷ này.
HH2E cho biết nhà máy sẽ dựa vào các công viên năng lượng mặt trời trong khu vực để chuyển đổi năng lượng tái tạo thành hydro.
Andreas Schierenbeck, cựu Giám đốc điều hành của Uniper và thang máy của Thyssenkrupp, người đồng sáng lập HH2E cho biết sản xuất hydro xanh trong nước là rất quan trọng để đảm bảo vai trò then chốt của Đức trong lĩnh vực năng lượng xanh toàn cầu trong tương lai, lĩnh vực đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính phủ ở tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngành công nghiệp Đức có thể dễ dàng duy trì tính cạnh tranh hơn nếu không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng nhập khẩu.
Thông tin về dự án, dự án thứ hai của HH2E ở Đức, xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do việc ngừng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, buộc nước Đức phải tìm kiếm nguồn cung cấp mới trong và ngoài nước.
Chính phủ Đức đang cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp hydro để dẫn đầu những gì họ hy vọng sẽ trở thành một thị trường lớn trên toàn cầu. Những người chỉ trích công nghệ chỉ ra sự không chắc chắn về chi phí và việc liệu có đủ năng lượng tái tạo để sản xuất đủ hydro xanh hay không./.
Thanh Bình