Những dấu ấn trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2022
Khép lại năm 2022, thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng kết quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược là về tổng thể ta vẫn giữ được cục diện đối ngoại tương đối thuận lợi cho đất nước.
Việt Nam trong thế giới đầy biến động
Năm 2022, thế giới có những diễn biến bất ổn, khó khăn, phức tạp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Dịch bệnh COVID-19 chưa qua hẳn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở mức gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ qua, xung đột tại U-crai-na bùng phát kéo theo những hệ lụy to lớn chưa lường hết được đối với hòa bình, ổn định ở các khu vực, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Xu hướng chạy đua vũ trang, sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền gia tăng, các thể chế đa phương bị chia rẽ. Tác động của biến động địa chính trị, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, lương thực đã đặt kinh tế toàn cầu trước nhiều rủi ro lớn. Toàn cầu hóa chậm lại, các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, các chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu gặp khó khăn. Tháng 9-2022, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc An-tô-ni-ô Gút-tơ-rét cảnh báo về “sự tê liệt toàn cầu” và nguy cơ “không có hợp tác, không có đối thoại, không có sự chung tay giải quyết các thách thức chung”.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại. |
Trước những thách thức chưa từng có, các nước đều nhận thức rằng phải duy trì độc lập, tăng cường tự chủ chiến lược, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế vẫn được duy trì, các liên kết kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhằm mở rộng không gian phát triển và phục hồi tăng trưởng, song chuyển hướng sang các vấn đề kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, phi các-bon. Ngay các nước lớn, mặc dù cạnh tranh gay gắt song vẫn nỗ lực tìm điểm chung về lợi ích để hợp tác. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Mỹ tháng 11-2022 đem lại hy vọng cho nỗ lực đối thoại. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng chung của nhân loại. Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vẫn là khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới, các nước ASEAN duy trì được sự thống nhất, xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm tại khu vực.
Trong bức tranh phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới và khu vực, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng tích cực. Nền kinh tế từng bước được mở cửa; các hoạt động văn hóa, xã hội, thương mại, du lịch trở lại bình thường, tạo sinh khí phấn khởi là tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, bảo đảm các cân đối lớn. Những thành tựu này có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đại hội XIII, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và các mục tiêu phát triển đất nước đến 2025 và các năm 2030, 2045.
Đối ngoại đóng góp trực tiếp vào thành tựu chung của đất nước
Ngay từ đầu năm 2022, tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã xác định toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, chủ động ứng phó với các khó khăn, thách thức trong tình hình mới đầy biến động, ưu tiên xây dựng các chiến lược, đề án quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Bắt nhịp với xu thế chung của thế giới, phối hợp chặt chẽ với cả hệ thống chính trị đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đối ngoại phục vụ các mục tiêu chiến lược của đất nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai kịp thời, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, trụ cột và đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Thứ nhất, ta đã bắt nhịp kịp thời với quá trình mở cửa trở lại của các nước để chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trực tiếp song phương và đa phương. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tiến hành hơn 60 chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao dưới nhiều hình thức. Chuyến thăm có vai trò quan trọng tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các chuyến thăm cấp cao tới Lào, Căm-pu-chia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-li-pin, Hoa Kỳ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân…, tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEAN - Mỹ, ASEAN - EU, Đại hội đồng Liên hiệp quốc… là những sự kiện chính trị đối ngoại đặc biệt, đưa quan hệ giữa nước ta với các nước và các đối tác quan trọng ổn định, tăng cường, đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị ở mức cao, đạt được kết quả cụ thể, thực chất với hơn 100 văn kiện, thỏa thuận được ký kết. Ta cũng đón 18 đoàn lãnh đạo cấp cao từ các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống và tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu gay gắt giữa các nước lớn trong năm qua, ta đã xử lý cân bằng, hài hòa, có lý có tình, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế. Sự kiện Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026 với tín nhiệm cao là minh chứng rõ nét về uy tín, vị thế quốc tế cũng như vai trò là thành viên có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. |
Thứ hai, công tác đối ngoại đóng góp hiệu quả vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với việc Việt Nam trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, tiết kiệm ngân sách 900 triệu USD, ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngành ngoại giao đã tham mưu kịp thời để cả nước chuyển giai đoạn từ thích ứng an toàn sang phục hồi, tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm triển khai các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, tận dụng tốt đà phục hồi kinh tế thế giới, đóng góp vào kết quả khởi sắc về kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2022 nước ta đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất siêu 10,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt hơn 19,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ ba, trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế và khu vực biến động phức tạp, nước ta đã bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Trên biên giới đất liền, chúng ta đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch. Trên biển, ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, tạo chuyển biến trong xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với Công ước 1982 của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xi-a.
Thứ tư, công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, kịp thời trên nhiều lĩnh vực. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 36 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Khi quốc tế mở cửa trở lại, ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương, Tổ quốc; tích cực vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào phục vụ phát triển đất nước. Công tác bảo hộ công dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Cơ bản hoàn tất việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào ta tại U-crai-na ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Căm-pu-chia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn. Phối hợp giải quyết kịp thời, đưa khoảng hơn 700 ngư dân của ta ở nước ngoài về nước. Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, công tác ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh, nhất là việc tiếp tục đảm nhiệm hiệu quả vai trò là thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Tiếp tục các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, tổ chức thành công chương trình Ngày Việt Nam tại Áo, Hàn Quốc và Ấn Độ; vận động thành công bốn danh hiệu UNESCO…
Thứ năm, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng - an ninh và các hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được thế mạnh đặc trưng của từng trụ cột, lực lượng cũng như sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị. Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế. Năm qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ đối ngoại cho các địa phương với việc hỗ trợ ký hơn 90 văn bản thỏa thuận hợp tác địa phương với các đối tác nước ngoài, tổ chức nhiều lớp đào tạo cho 6.000 cán bộ lãnh đạo, công chức phụ trách công tác đối ngoại, hơn 80 đoàn làm việc tại 44/62 địa phương, 70 hoạt động kết nối các đối tác thương mại, đầu tư và các đoàn doanh nghiệp kiều bào về địa phương.
Thứ sáu, chủ động nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược. Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành đã hoàn thành về cơ bản hệ thống các đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và tạo nền tảng triển khai đường lối đối ngoại, quốc phòng, an ninh và phát triển theo tinh thần Đại hội XIII và những năm tiếp theo, hướng tầm nhìn tới 2030 và 2045. Công tác tham mưu về động thái cũng được chú trọng và triển khai hiệu quả, nhờ đó ta đã ứng xử cơ bản phù hợp với những vấn đề nổi lên như tình hình tại U-crai-na, Biển Đông, eo biển Đài Loan, quan hệ giữa các nước lớn, hợp tác tiểu vùng, các sáng kiến liên kết khu vực, các vấn đề toàn cầu…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao luôn nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Ngành Ngoại giao cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Ban Cán sự đảng và Đảng ủy Bộ Ngoại giao thường xuyên quán triệt trong toàn Đảng bộ về các nhiệm vụ của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm; đặc biệt coi trọng và chăm lo xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Khép lại năm 2022, thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng kết quả nổi bật có ý nghĩa chiến lược là về tổng thể ta vẫn giữ được cục diện đối ngoại tương đối thuận lợi cho đất nước. Năm 2023 được dự báo là năm sẽ còn nhiều biến động lớn cho thế giới và các khu vực trên tất cả các mặt địa chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, quan hệ quốc tế, báo hiệu sự chuyển đổi sang một giai đoạn mới, thay thế cho giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Năm 2023, đất nước ta sẽ đi được nửa chặng đường thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra. Do đó, cùng với các lĩnh vực, binh chủng, nhiệm vụ của công tác đối ngoại cũng sẽ rất nặng nề. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “ngoại giao là một mặt trận, giữ vai trò tiên phong, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Đây là sứ mệnh nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Toàn Ngành Ngoại giao sẽ nỗ lực hết sức thực hiện những nhiệm vụ đó, góp phần trực tiếp vào duy trì ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, tạo dựng cho đất nước chỗ đứng vững chắc trong cục diện và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế mới đang định hình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và phát triển đất nước mà Đảng ta đã đề ra.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng