Phát hiện tổ trứng khủng long hóa thạch khổng lồ ở Ấn Độ
(PetroTimes) - Các nhà cổ sinh vật học làm việc ở miền trung Ấn Độ đã khám phá ra một trại trứng khủng long hóa thạch với 92 tổ và 256 quả trứng của loài khủng long khổng lồ ăn thực vật.
Công khai rao bán hóa thạch khủng long độc nhất thế giới giá gần 70 tỷ đồng |
Loài khủng long mới được đặt tên theo bộ truyện tranh Doraemon |
Những quả trứng có kích thước bằng quả bóng bowling, có đường kính từ 15 cm đến 17 cm (6 inch và 6,7 inch), có khả năng thuộc về một số loài khủng long cổ dài khổng lồ.
Một nghiên cứu về tổ của chúng đã tiết lộ những chi tiết liên quan mật thiết về cuộc sống của những con khủng long cổ dài sinh sống ở khu vực miền trung Ấn Độ hơn 66 triệu năm trước. Tác giả chính của nghiên cứu Guntupalli Prasad - nhà cổ sinh vật học thuộc khoa địa chất tại Đại học Delhi cho biết, số lượng trứng trong mỗi tổ dao động từ 1 đến 20 quả và nhiều tổ được tìm thấy rất gần nhau.
Việc phát hiện ra một trại ấp trứng khủng long hóa thạch cho thấy rằng khủng long khổng lồ ăn thực vật không phải lúc nào cũng là cha mẹ tận tâm. |
Ông cho biết thêm, những phát hiện đã cho thấy khủng cổ dài, một trong số những loài khủng long lớn nhất từng tồn tại, không hẳn đã là những bậc cha mẹ chu đáo.
“Vì khủng long cổ dài có kích thước khổng lồ nên việc những chiếc tổ có khoảng cách gần nhau sẽ không cho phép chúng đến thăm tổ để di chuyển, ấp trứng hoặc cho con non ăn… và khủng long bố mẹ có thể sẽ giẫm lên trứng và các con non”.
Trứng khủng long rất dễ vỡ nên khả năng nguyên vẹn của chúng trong các mẫu hóa thạch là rất hiếm. |
Tiến sĩ Darla Zelenitsky - Phó giáo sư cổ sinh vật học khủng long tại Đại học Calgary ở Canada cho biết, việc tìm thấy một số lượng rất lớn tổ khủng long là điều bất thường, vì các điều kiện bảo quản phải “vừa đủ” để biến tất cả những quả trứng mỏng manh thành hóa thạch.
Các tổ gần nhau, cho thấy khủng long đẻ trứng theo nhóm, tương tự như nhiều loài chim ngày nay. |
Những quả trứng khủng long đầu tiên trong khu vực được phát hiện vào những năm 1990, nhưng nghiên cứu mới nhất tập trung vào một địa điểm làm tổ ở quận Dhar thuộc bang Madhya Pradesh. Tại đây từng đã diễn ra các cuộc khai quật và nghiên cứu thực địa vào năm 2017, 2018 và 2020. Những quả trứng được phát hiện ở đây được bảo quản tốt đến mức nhóm nghiên cứu có thể phát hiện các mảnh protein bị phân hủy từ vỏ trứng.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy hành vi làm tổ của khủng long cổ dài có chung đặc điểm với các loài chim và cá sấu ngày nay.
Từ khoảng cách gần của các tổ, các nhà nghiên cứu đã suy luận rằng khủng long đã đẻ trứng thành bầy đàn hoặc như ổ gà, giống như nhiều loài chim ngày nay vẫn làm.
Nhà cổ sinh vật học Prasad cho biết, trong một quả trứng cụ thể (được gọi là noãn trong trứng, hay trứng trong trứng) nhóm nghiên cứu đã chỉ ra hành vi sinh sản tương tự như loài chim và một số loài khủng long có thể đã đẻ trứng theo trình tự. Các dạng noãn trong trứng xảy ra ở chim khi một quả trứng được nhúng vào một quả trứng khác vẫn đang trong quá trình hình thành trước khi chúng được đẻ.
“Đẻ tuần tự là việc đẻ từng quả trứng một với khoảng cách thời gian nhất định giữa hai lần đẻ. Điều này được nhìn thấy ở các loài chim. Mặt khác, các loài bò sát hiện đại, chẳng hạn như rùa và cá sấu cũng đẻ tất cả trứng thành một ổ”, Prasad nói.
Những quả trứng này sẽ được đẻ ở vùng đồng bằng đầm lầy và được chôn trong những cái hố nông, giống như nơi làm tổ của cá sấu ngày nay. Tương tự như các trại sản xuất giống cá sấu, việc làm tổ gần mặt nước có thể rất quan trọng để ngăn trứng bị khô và con non chết trước khi nở.
Những quả trứng có đường kính từ 6 đến 7 inch. |
Nhưng không giống như chim và cá sấu, cả hai đều ấp trứng, Prasad nói rằng, dựa trên đặc điểm vật lý của tổ, khủng long khổng lồ có khả năng sẽ đẻ trứng và sau đó để những con khủng long con tự nở và tự bảo vệ mình.
Những loài khủng long khác được cho là bậc cha mẹ chu đáo hơn khủng long cổ dài. Ví dụ, một con khủng long được phát hiện ở Mông Cổ vào những năm 1920, nằm gần một ổ trứng được cho là của đối thủ. Các nhà cổ sinh vật học vào thời điểm đó cho rằng con vật đã chết khi cố gắng cướp tổ và đặt tên cho sinh vật này là oviraptor, hay "kẻ trộm trứng". “Danh tiếng” kẻ trộm khủng long mãi đến những năm 1990 mới được phục hồi, khi một phát hiện khác cho thấy những quả trứng trên thực tế là của chính nó và sinh vật này có khả năng đã ngồi trông chừng trứng. |
Minh Đức