Nền kinh tế độc lập, tự cường
Định hướng quan trọng của năm 2023 là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế.
Qua đó, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng với DĐDN.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, dự báo thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và kịch bản mà nhiều chuyên gia dự báo là kinh tế Mỹ và các nước phát triển sẽ rơi vào suy thoái với lãi suất duy trì ở mức cao để kiềm chế lạm phát.
- Từ góc độ người thiết kế chiến lược chính sách, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để cộng đồng doanh nghiệp có thể bước qua giai đoạn này?
Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Đồng thời đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường, cụ thể như: Tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; Liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành để giúp doanh nghiệp, người dân giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; Có giải pháp phù hợp hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than bảo đảm an ninh năng lượng; Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp...
- Theo Bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT sẽ có những kiến nghị gì để giải tỏa các điểm nghẽn này?
Khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp. Trong khi đó, đơn hàng, doanh thu, doanh số bị sụt giảm mạnh, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp.
Thứ nhất, triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách, rà soát, điều chỉnh nguồn lực từ các chính sách khó triển khai hoặc không thực hiện hết cho các chính sách còn dư địa (như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà,…).
Thứ hai, tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp,…; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; Phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; Xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) hút vốn cho các doanh nghiệp.
Nền kinh tế độc lập, tự cường |
- Nhưng việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, là rất phức tạp, khó khăn thách thức, thưa Bộ trưởng?
Thời gian tới, để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, các chính sách phải phối hợp, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, thúc đẩy hiệu quả tổng thể của các chính sách, nhất là khi dư địa điều hành chính sách đang có xu hướng thu hẹp dần lại.
Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những “nút thắt” giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách vận hành và phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành để phục vụ công tác xây dựng, điều hành các mục tiêu phát triển vĩ mô; Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế thế giới kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!