Hoạt động đón Tết Nguyên đán độc đáo tại New York
Được xem là nhà của cộng đồng người gốc Á đông đảo, hàng năm, những hoạt động chào đón Tết Nguyên đán tại thành phố New York, Mỹ nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Tết Nguyên đán, hay lễ hội mừng năm mới theo lịch mặt trăng, là một ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc với người dân của nhiều nước châu Á. Đây là dịp để mọi người trở về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau tưởng nhớ ông bà tổ tiên, chia sẻ những dự định và mong muốn cho một năm mới phía trước.
Múa lân nhân dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc (Ảnh: Flushing Chinese Business Association). |
Với người châu Á xa quê, Tết Nguyên đán còn là dịp để họ trở về thăm quê hương sau một năm xa cách. Với những người ở lại, họ vẫn có những cách đón chào năm mới của riêng mình. Tại thành phố New York, nơi có hơn 1,2 triệu dân là người gốc Á, Tết Nguyên đán đang dần trở thành một ngày lễ quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả nhiều người dân bản địa.
Lịch sử người nhập cư châu Á tại New York
Thành phố New York, trung tâm tài chính phát triển và giàu có hàng đầu thế giới, từ lâu đã trở thành miền đất hứa cho nhiều người nhập cư châu Á. Theo những tư liệu còn sót lại, New York chào đón những người gốc Á đầu tiên là những thủy thủ và thương nhân từ những năm đầu của thế kỉ 19.
Một góc khu phố người Hoa ở New York (Ảnh: NBC). |
Năm 1947, triều đình nhà Thanh cử 3 học giả sang Mỹ để học tập và họ là những người gốc Á đầu tiên có tên tuổi được lưu lại một cách chính thức trong hồ sơ ở New York. Yung Wing, một trong số ba học giả đó, sau này trở thành sinh viên châu Á đầu tiên tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ khi ông nhận bằng cử nhân từ đại học Yale năm 1854.
Làn sóng người châu Á nhập cư vào xứ sở cờ hoa nở rộ vào những năm 1870, khi hàng nghìn người Trung Quốc tìm đường đến Mỹ để hòa cùng vào cơn sốt đào vàng nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi đặt chân đến vùng đất mới, sự phồn vinh của New York đã giữ chân nhiều người nhập cư ở lại nơi này, thay vì di chuyển qua bờ Đông để theo đuổi mục đích ban đầu của chuyến đi.
Theo thời gian, cộng đồng người gốc Á, đặc biệt là gốc Trung Quốc lớn dần tại New York. Ở thời điểm hiện tại, thành phố này là ngôi nhà lớn nhất cho người nhập cư gốc Hoa ở bên ngoài lãnh thổ châu Á. Những người nhập cư này mang đến xứ sở cờ hoa nhiều phong tục truyền thống, trong đó có truyền thống đón Tết Nguyên đán.
Những hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán tại New York
Vào ngày Tết Nguyên đán, những hoạt động chào mừng có thể được tìm thấy ở khắp thành phố New York rộng lớn. Nơi tổ chức nhiều hoạt động với bầu không khí náo nhiệt nhất chính là khu phố người Hoa ở quận Manhattan.
Diễu hành đón Tết Nguyên đán ở New York (Ảnh: Rove). |
Với diện tích khoảng 2km vuông, khu phố người Hoa ở New York có khoảng 100.000 dân, với khoảng 70% là người gốc Hoa hoặc các sắc tộc châu Á khác. Dân cư gốc Hoa ở đây đông đến mức một người có thể không cần biết tiếng Anh nhưng vẫn có thể sinh sống và làm việc một cách vô cùng thoải mái và dễ dàng.
Vì là nơi tập trung nhiều dân nhập cư, văn hóa châu Á, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc, đã ảnh hưởng rất nhiều đến kiến trúc và văn hóa của khu phố Tàu. Những cửa hàng với kiến trúc và biển hiệu tiếng Trung mọc lên san sát. Những vườn hoa nhỏ với kiến trúc giống với một khu vườn tại trung tâm Bắc Kinh cũng có thể được bắt gặp thường xuyên tại khu phố này. Những ngôi chùa và miếu thờ Phật Giáo và Đạo Giáo cũng được dựng lên để làm nơi thực hành tín ngưỡng cho dân cư tại đây. Chính vì những nét đặc trưng văn hóa như vậy, khu phố người Hoa đã trở thành địa điểm hoàn hảo để tổ chức những hoạt động đón chào Tết Nguyên đán tại New York.
Hoạt động được mong chờ nhất trong lễ hội Tết Nguyên đán tại New York là cuộc diễu hành truyền thống.
Bắt đầu từ phố Mott và Canal, đoàn diễu hành sẽ đi qua quảng trường Chatham và khu Broadway, qua cầu Manhattan và kết thúc tại công viên Sara Roosevelt nằm trong khu phố người Hoa. Đoàn diễu hành sẽ trình diễn những trang phục và điệu nhảy truyền thống mà người Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam thường mặc trong dịp Tết Nguyên đán.
Thành phần của đoàn diễu hành cũng bao gồm nhiều đội múa lân sư rồng, nghệ sĩ kinh kịch đóng giả Ông Địa, Thần Tài và các nhân vật thần thoại khác trong văn hóa Á Đông.
Sau lễ diễu hành, nhiều hoạt động vui chơi sẽ được các tổ chức văn hóa khác nhau như China Insitute hay Better Chinatown USA tổ chức tại khu vực phố người Hoa. Người dân tham dự lễ hội sẽ được chứng kiến những màn múa lân, biểu diễn kungfu, nhào lộn, kinh kịch và âm nhạc cung đình độc đáo.
Các gian hàng dạy làm đồ ăn truyền thống như há cảo, dạy cắt rối bóng, thư pháp hay chơi cờ vây cũng được dựng lên ở quanh phố người Hoa. Những người tham gia có thể nhận được nhiều phần thưởng là những phong bao lì xì sau khi tham gia các hoạt động trên. Với người gốc Á, họ có thể viếng thăm và hành lễ tại những ngôi đền quanh khu vực như đền Mahayana. Ngoài ra, một lễ hội đốt pháo nhỏ cũng thường được tổ chức tại công viên Sara Roosevelt.
Sự kiện chào mừng Tết Nguyên đán hàng năm đang dần trở thành một sự kiện phổ biến ở New York. Theo ước tính của Hội đồng thành phố, trong những năm trước đại dịch Covid-19, lễ hội Tết Nguyên đán ở khu phố người Hoa thường đón từ 400-500 nghìn lượt khách gồm đủ các thành phần, màu da và sắc tộc tham dự. Sự kiện này vì vậy đã mang lại hàng triệu USD doanh thu cho thành phố.
Theo Dân trí
Hà Nội tạm dừng hoạt động phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ dịp Tết | |
Khuyến cáo sử dụng điện an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão |