Chợ đồ xưa Vạn Phúc - Chuyến đi về quá khứ
Kỳ 1: Hành trình tìm về ký ức
(PetroTimes) - Nhiều người có quan niệm rằng, giới trẻ thời nay thường không thích hoài cổ, chẳng ưa những gì cũ kỹ. Nhưng chỉ cần một lần được trải nghiệm, đắm mình vào hành trình cùng những đồ vật “xưa” tại chợ đồ cũ Vạn Phúc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về thì dù chỉ có mười tám đôi mươi thôi cũng sẽ có cái nhìn rất khác.
Rủ nhau đi chợ đồ cũ Vạn Phúc |
Phiên chợ Tết lạ lùng nhất Hà Nội: Mỗi năm mở 1 lần để bán dao cùn, bát cũ |
Đi chợ mà… lạ lắm!
Sau một thời gian bận bịu với cả đống bài vở, những chuyến đi công tác thâu đêm suốt sáng chuẩn bị cho Tết năm con Mèo, được ngày thư thả, tôi cùng với anh em đồng nghiệp mới có dịp ngồi cùng nhau ôn chuyện. Anh em nhắc lại những việc mình đã làm được trong năm qua rồi những dự định trong năm mới. Đột nhiên một tiền bối trong nghề rỉ tai bảo: “Này chú em, có thích làm chuyến đi về quá khứ không?”. Máu nghề nổi lên tôi ừ ngay. Thế là hai anh em phóng xe xuống Hà Đông tìm vào Chợ đồ xưa Vạn Phúc.
Sạp hàng thập cẩm đủ loại đồ gốm, đồ đồng, cũ mới lẫn lộn. |
Khu chợ này có cái tên chính thức khá dài là “Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa Vạn Phúc”. Chợ này được họp theo phiên 5 ngày một lần trong tháng theo âm lịch. Theo lời một chủ hàng, thì khu vực này trước ở đây vốn là chợ cây cảnh. Nhưng khoảng 10 năm trước đây bắt đầu xuất hiện vài gian đồ cổ, đồ cũ. Sau đó tiếng lành đồn xa, nhiều nhà thấy làm ăn được nên người Hà Đông quanh khu vực chợ này mở hàng bán thêm đồ cũ, đồ mỹ ký… khiến quy mô của chợ ngày càng nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng.
Trong cái không gian đầy cổ kính nơi làng lụa Vạn Phúc, chợ đồ xưa nằm len lỏi trong con ngõ nhỏ, trải dài, tách biệt với sự ồn ã chốn đô thành. Chỉ khi chúng ta đi bộ mới có thể di chuyển vào thăm thú khu chợ rất đỗi đặc biệt này.
Quân hàm Thượng tá, các loại huân, huy hiệu ẵm từ đâu về, cũng được các tiểu thương rao bán. |
Chợ từ lâu nổi tiếng với các gian hàng buôn bán đủ thứ đồ cũ, từ đồ gia dụng như xoong nồi, ấm chén cho đến dụng cụ lao động như găng bảo hộ, mỏ lết, búa, xẻng… đồ trưng bày gồm có tranh, tượng… đồ điện tử thì nhiều vô kể, từ linh kiện rời cho đến những chiếc quạt Nhật bãi, điều khiển TV vẫn còn sử dụng được.
Ngay cả những vật phẩm mang tính biểu tượng, chứa đựng những giá trị vô hình như quân hàm, quân hiệu hay những chiếc kỷ niệm chương vinh danh cá nhân có thành tích cũng được bày bán công khai trên các sạp hàng. Giá cả các vật phẩm ở đây không niêm yết, không theo chuẩn mực chất lượng sản phẩm mà theo đúng tiêu chí “thuận mua vừa bán”. Khách hàng có thể mặc cả thoải mái cho đến khi chốt được giá tốt.
Dụng cụ Nhật bãi giá rẻ khi nhập về đã được các phù thủy đồ cũ "mông má" lại, phải rất tinh mắt mới có thể lựa ra đồ còn xài được. |
Các gian hàng tại chợ đồ xưa Vạn Phúc chủ yếu là nhà cấp 4, được lợp mái tôn, xếp sát nhau như mô hình kiot ở chợ đầu mối Điện Ngọc. Bước vào một ki-ốt có mặt tiền hẹp với chỉ một lối đi vừa đủ cho 2 người, tôi phát hiện bên trong có đến 5 hộ kinh doanh đồ đạc cũ. Họ thuê chung một gian nhà, mỗi người một góc, ngồi bệt bên bức tường gạch cũ xung quanh chất đầy hàng hoá. Họ không mời chào, lôi kéo khách mà bình thản ngồi để khách tự xem hàng, đôi lúc chêm xen vài câu đùa tếu táo khiến tôi cũng phải bật cười.
Người đồng hành của tôi khá tếu táo, anh đùa cũng rất duyên. Vào gian hàng nào anh cũng có thể vỗ vai, bá cổ chủ sạp, lúc thì hỏi giá, lúc thì buôn đủ thứ chuyện trên đời như là thân quen với họ từ lâu rồi. Khi vào khu bán đồ điện tử cũ, người anh của tôi liền “bắt sóng” với một chị chủ hàng. Khen chị ấy xinh xắn, duyên dáng, hỏi tên tuổi… rồi xin phép được chụp ảnh.
Chị Hiền - chủ sạp chỉ cười tủm tỉm, chỉ tay lên cái camera lắp trên tường rồi bảo: “Ở đây không được chụp ảnh nhé, chồng “chị” nó ghen lắm, nó ngồi “trông vợ” ở nhà mà thấy chị chụp ảnh với trai lạ thì nó ghen lồng lên đấy!”.
Tôi chợt thấy hơi ngại, nhưng ông anh đi cùng lại tỉnh bơ, đứng ì ra, lại còn nhìn “xoáy” vào cô chủ sạp… Chị Hiền thấy thế liền “đảo” bài: “Nếu các “chú” mua tặng chị một cái bánh chưng thì muốn chụp hình bao lâu cũng được nhưng chụp gì thì chụp chứ… đừng đưa chị lên báo nhé, chị ngại lắm!”.
Người mua hàng tỉ mẩn soi xét kỹ từng món đồ, tránh tiền mất tật mang. |
Tôi chợt nhớ đến câu ca dao “trai khôn tìm vợ chợ đông”, hóa ra chị Hiền và các tiểu thương nơi đây đã đọc “vị” chúng tôi ngay từ khi bước vào cửa hàng nhưng ai cũng hồ hởi, thân thiện chứ không hề tỏ ra ghét bỏ mấy anh phóng viên ưa "tọc mạch". Ấy thế nên khách đến Chợ đồ xưa Vạn Phúc có thể thoải mái ngắm nghía, sờ nắn, nâng lên đặt xuống nhiều lần mà không sợ chủ hàng phàn nàn. Kể cả khi không mua hàng, khách cũng có thể ngồi lại trò chuyện, tâm sự với chủ hàng, đôi khi là trao đổi thông tin hàng hoá, trút bầu tâm sự, kể cho nhau về những bộn bề của cuộc sống.
Thi thoảng kiếm được vài người hợp ý là người mua kẻ bán, rồi khách vãng lai có thể ngồi xuống “buôn chuyện” lai rai cả tiếng đồng hồ, quyến luyến không nỡ đứng dậy rời đi.
Hoài niệm tuổi trẻ
Đi “chợ” cũ một thôi một hồi, tôi không còn nhớ mình chui vào, đi ra bao nhiêu gian hàng, xà vào bao nhiêu hàng quán thì tại một kiot nhỏ, tôi ngay lập tức bị hút mắt vào chiếc rổ nhựa đựng gương xe máy cũ. Trong rổ trộn lẫn đủ mọi loại gương từ các hãng, các đời xe khác nhau, thậm chí có cả gương xe Honda Press Cub 50 “kim vàng giọt lệ” vang bóng một thời:
“Kim vàng giọt lệ long lanh
Nối duyên em với tình anh đậm đà...”
(PGS-TS. Phạm Văn Tình)
Rổ gương xe máy cũ chính là bầu trời kỷ niệm đối với những người đam mê xe cộ. |
Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi lại chính là chiếc gương xe máy Honda Chaly CF50 sản xuất năm 1992.
Thời điểm tôi thi đỗ cấp 3, bố đã thưởng cho tôi chiếc xe Chaly CF50 để đi học. Nhưng hồi đó tôi nghịch ngợm lắm, đi đường không thèm nhìn trước ngó sau, cứ thế phóng, đến khi gặp tình huống bất ngờ trở tay không kịp, tôi mất lái, ngã lăn ra đường. Chiếc xe đổ ngang, trượt một đoạn dài, gương xe cũng vì va đập mạnh nên vỡ tan tành. Lúc bấy giờ tôi vừa đau vừa hoảng, lóc cóc dắt con xe hỏng về nhà. Vì lần tai nạn tai hại đó mà tôi bị bố mẹ mắng té tát một chặp.
Sau này cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc gương xe là tôi lại nhớ về lần ngã đau đó và chừa cái thói đi đứng không cẩn thận. Trải qua hết quãng đời học sinh tôi mới nhận ra một điều: “Khi nhớ về quá khứ, điểm số cao không làm chúng ta mỉm cười nhưng những kỷ niệm thì làm được điều đó”.
Chiếc gương xe Chaly giống như một mảnh ký ức gắn liền với những năm tháng tuổi trẻ của tôi vậy, để rồi mỗi khi nhìn thấy nó là biết bao kỷ niệm lại ùa vào trong tâm trí.
Thông thường đi chợ là để mua, bán nhưng đi chợ đồ xưa thì khác hẳn. Hầu hết người đến đây là để… hoài niệm. Đối với những thanh niên thì “hoài niệm” là một khái niệm khá xa xỉ, nó dường như là sự pha trộn giữa nhiều cung bậc cảm xúc khó có thể lý giải. Với tôi đó là sự hồi tưởng, khao khát được quay ngược về quá khứ... Chính vì vậy, những người tìm đến chợ đồ cũ không hẳn chỉ để mua hàng mà họ đến đây để tìm về những giá trị xưa cũ, tìm về những kỷ niệm, khơi gợi cảm xúc hoài niệm giữa cuộc sống hối hả đầy bon chen chốn hà thành. Những món đồ cũ kỹ tưởng chừng như vô tri này lại chính là chất dẫn, là sợi dây liên kết giữa thực tại và quá khứ, giúp khơi gợi những kỷ niệm đẹp và khiến cho con người ta chìm đắm trong những miền ký ức, những hoài niệm của một thời tuổi trẻ.
Công - Đức