Hà Nội: Xử lý nghiêm các tài xế say xỉn
(PetroTimes) - Nhiều lái xe tại Hà Nội dù còn vương vất hơi cồn nhưng vẫn cố tình tham gia giao thông đã phải nhận mức phạt nghiêm khắc từ 6 đến 40 triệu đồng, bị giữ xe 7 ngày bất chấp việc gọi hàng chục cuộc điện thoại "cầu cứu".
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công văn yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
(Ảnh minh họa) |
Ghi nhận trong tối 15/1, tổ công tác Y10/141 thực hiện nhiệm vụ kiểm soát nồng độ cồn tại nút giao Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội. Khoảng 21h, tổ công tác dừng xe kiểm tra lái xe N.T.T. (SN 1995, HKTT: Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe ô tô mang BKS: 30K-031xx. Kết quả lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,122mg/lít khí thở.
Với mức vi phạm này anh T bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Anh T. buồn bã: "Tôi uống bia từ trưa, cứ nghĩ đến tối là hết, ai ngờ khi kiểm tra nồng độ cồn vẫn còn. Tết nhất đến nơi cả nhà có mỗi cái xe để về quê. Giờ lại bị giữ 7 ngày thì coi như hết Tết. Giá như...".
Đáng chú ý, đến 22h30, tổ công tác tiếp tục phát hiện lái xe N.V.Đ. (SN 1983, HKTT: Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) vi phạm vượt kịch khung 0,479mg/lít khí thở. Anh Đ. bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày. Anh Đ. còn bị phạt bổ sung lỗi không có giấy phép lái xe.
Sau khi gọi hàng chục cuộc điện thoại nhờ can thiệp nhưng không hiệu quả, anh Đ mới chịu ký vào biên bản xử phạt. Anh Đ. cho biết: "Tôi vừa đi ăn giỗ về, có uống mấy chén rượu. Đã xác định ngồi xuống bàn thì không thể từ chối lời mời, nhưng sai lầm của tôi là vẫn lái xe về. Sau lần này sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm".
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm, không khoan nhượng. |
Cũng trong buổi tối 15/1, tổ công tác Y10 còn phát hiện, xử phạt 2 lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn lần lượt ở mức 0,118mg/lít khí thở và 0,110mg/lít khí thở.
Thiếu tá Phạm Văn Luyến, tổ trưởng tổ công tác Y10 cho biết: Với mức vi phạm nồng độ cồn như thế, người điều khiển phương tiện hầu như không làm chủ được hành vi, rất có thể dẫn tới tai nạn giao thông. Vì vậy nếu không kịp thời phát hiện, chặn giữ thì không biết sẽ xảy ra hậu quả như thế nào.
Dù thời gian qua, đã có nhiều lái xe bị xử phạt rất nghiêm khắc lên tới vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe lên tới 2 năm, nhưng tình trạng lái xe sử dụng rượu bia vẫn diễn ra, nhất là trong thời điểm cuối năm nhiều kỳ cuộc liên hoan, gặp mặt, tất niên.
“Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi vẫn ứng trực 100% quân số, tuần tra kiểm soát hàng ngày, hàng giờ, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết tạm giữ phương tiện, lập biên bản vi phạm và xử phạt. Việc xử phạt hoàn toàn không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Thiếu tá Phạm Văn Luyến nhấn mạnh.
Hà Nội quyết liệt xử phạt vi phạm nồng độ cồn, giữ xe, treo bằng lái tới 12 tháng. |
Những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, để niềm vui được trọn vẹn, mong mỗi người hãy tự ý thức về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội, thực hiện triệt để khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương phải nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia… Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thơi thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị vi phạm…
P.V