Huyền thoại "Thần Đá Trắng" giữ biên cương
(PetroTimes) - Tôi đến với “Thần Đá Trắng” ở bản Pá Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vào một tiết nghiêm hàn. Gió bấc thổi hun hút lạnh rét tê tái.
Tác giả bên tượng “Thần Đá Trắng” |
Thu Lũm là xã cực bắc của huyện Mường Tè và là xã nghèo nhất trong các xã nghèo nhất của một huyện nghèo nhất tỉnh Lai Châu. Nghèo đến mức độ ở đây chỉ có hơn chục phần trăm hộ gia đình là đủ ăn, còn lại là nhỡ bữa quanh năm.
Xưa kia, chả ai biết đến xã Thu Lũm, bởi đường sá đi lên đây quá khó khăn. Từ Pác Ma, nơi đầu nguồn sông Đà với thác Kẻng Mỏ hung dữ bậc nhất dòng sông Đà, đi ngước núi khoảng gần 50km nữa mới tới Thu Lũm. Đường lên Thu Lũm dốc khủng khiếp và có những dốc được mệnh danh là dốc M ngược ở khu vực gần xã Ka Lăng. Đứng từ bên này núi nhìn sang bên kia, thấy rõ dây phơi quần áo của bộ đội biên phòng, nhưng leo được sang tới nơi phải mất gần nửa ngày. Xã Thu Lũm có 8 bản, chủ yếu có 3 dân tộc sinh sống là Hà Nhì, La Hủ và Dao.
Bây giờ, “điện - đường - trường - trạm” đã lên tới Thu Lũm và đường khá tốt, cho nên đi từ Pác Ma lên Thu Lũm cũng chỉ khoảng tiếng rưỡi.
Thu Lũm ngày một trở nên tấp nập hơn bởi dân đi phượt và người đến... lễ bái, cầu cúng.
Ở đây không có chùa, đền, miếu mạo mà chỉ có một tảng đá trắng có chút vân đen nằm cô độc trên một quả đồi đất nằm ngay sát đường biên. Bây giờ, người ta thành kính gọi tảng đá là “Thần Đá Trắng” hay “Ông già đá trắng” và “Thần” ở đây là để giữ gìn cương vực của Tổ quốc.
Trông tảng đá cao khoảng gần 2 mét, nom như ông già ngồi vững chãi nhìn xuôi phía Nam nơi có dòng suối chảy qua bản Pá Thắng với vẻ trầm mặc. Nom “Ông già đá trắng” có nét phúc hậu, buồn buồn.
Có nhiều sự tích về “Ông già đá trắng”, nhưng một sự tích được nhiều người truyền tụng nhất là có đôi vợ chồng trẻ trên đường đi tìm vùng đất mới, người vợ chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên quay lại lội qua suối về nhà lấy khăn. Không may, đúng lúc đó xảy ra lũ lụt. Người chồng đi tìm người vợ sau nhiều ngày không thấy, đến dòng suối nước chảy cuồn cuộn thì ngồi chờ đợi, rồi hóa thành hòn đá trắng. Vì thế, “Ông già đá trắng” bên Việt Nam được gọi là “Ông”.
Còn người vợ, không thể băng qua suối lũ đến với chồng nên cũng hóa đá. Tảng đá đó nằm bên Trung Quốc, cách đường biên khoảng 4km và được gọi là “Bà”. Nghe nói hiện nay chính quyền Trung Quốc đã cho xây quây lại khá đẹp và chỉ cho người dân đến lễ ngày Rằm, mùng Một hằng tháng. Điều kỳ lạ là tảng đá “Bà” lại nằm giữa một khu ruộng nước.
Cũng chưa có cơ quan nào, khảo sát nghiên cứu “Thần Đá Trắng” chỉ là tảng đá “mồ côi” hay là tảng đá mọc lên từ tầng đá mẹ.
Nếu có một sự khảo sát địa chất kỹ lưỡng, chưa biết chừng, xã Thu Lũm có mỏ đá hoa cương trắng khổng lồ và nếu thế, đó là cơ hội để người dân ở đây đổi đời.
Người Hà Nhì và người Dao ở Pá Thắng và Thu Lũm tổ chức lễ cúng “Thần Đá Trắng” vào tháng 12 dương lịch và phải là ngày Dần đầu tiên của tháng.
Người Hà Nhì quanh năm suốt đời sống với rừng, nên ngày Dần, ngày con hổ, là ngày đẹp nhất, vì con hổ là con vật mạnh nhất của rừng. Theo người Hà Nhì, việc chọn ngày Dần để cúng “Thần Đá Trắng” còn có một ý nghĩa khác. Họ cúng rừng thường vào ngày Dần, vì ngày Dần thường được coi là ngày Chủ nhật của người Hà Nhì.
Cách tổ chức cúng lễ cũng rất cầu kỳ và “minh bạch”. Mỗi bản chọn ra khoảng 10 hoặc 20 người có thể cúng được, tập trung nhau lại, đó phải là những người có uy tín với dân bản, đặc biệt là trong gia đình không có ai bị mắc vòng lao lý.
Cách bốc thăm cũng rất chi là “núi rừng”. Người ta lấy một loại cỏ có đốt, cọng thì bẻ 1 đốt, cọng thì bẻ 2 đốt. Trong hàng chục cọng cỏ đó, chỉ có một cọng có 3 đốt. Sau đó, bỏ tất cả cọng cỏ vào ống tre và lần lượt các thầy cúng rút cọng cỏ. Ai rút được cọng cỏ có 3 đốt thì sẽ được làm chủ lễ năm đó.
Lễ vật cúng “Thần Đá Trắng” gồm 1 con lợn đen, 2 con gà, tất cả đều phải còn sống và 3 quả trứng nhuộm đỏ; 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu và đặc biệt là không thể thiếu thuốc lào. Ban thờ được làm từ 4 cành cây thẳng khỏe, còn nguyên lá, chôn xuống đất, lấy tre giang đan phên liếp chia làm 3 tầng. Chân nhang, chai rượu, thuốc lào, thuốc lá, tiền giấy được đặt vào bất cứ đâu trên tảng đá, từ chân cho đến đỉnh.
Sau khi cúng xong, bà con tổ chức ăn uống ngay tại đó. Nhưng chỉ có đàn ông được ngồi cạnh “Thần Đá Trắng”, còn đàn bà con gái phải xuống phía dưới, cách khoảng trăm mét.
Theo anh em bộ đội biên phòng Thu Lũm, tảng đá trắng này có dương khí rất mạnh và ai đến cầu khấn gì, chỉ cần chạm tay vào tảng đá, tĩnh tâm trong vài phút là sẽ cảm nhận được “linh khí” từ tảng đá trắng truyền sang người mình. Nghe nói, những người bị bệnh lâu ngày đến “Thần Đá Trắng”, nhờ linh khí của tảng đá mà bệnh tình thuyên giảm. Còn người Hà Nhì, người Dao ở Thu Lũm đến chỉ cầu “Thần Đá Trắng” giữ cho rừng đừng bị cháy, cho mưa thuận gió hòa và phù hộ cho con cháu giữ đất biên cương.
Theo lý giải của một số nhà khoa học, điều đó cũng có cái lý bởi lẽ đặc tính của khối đá thạch anh trắng là có dương khí rất mạnh, có thể đem đến sự may mắn trong cuộc sống và công việc, chống lại sự ảnh hưởng của năng lượng xấu.
“Thần Đá Trắng” có dương khí rất mạnh. Ai đến đây, chỉ cần chạm tay vào tảng đá, tĩnh tâm trong vài phút là sẽ cảm nhận được “linh khí” từ tảng đá trắng truyền sang người mình. Theo một số nhà khoa học, đặc tính của đá thạch anh trắng là có dương khí rất mạnh, có thể chống lại sự ảnh hưởng của năng lượng xấu. |
Như Phong