Thấy gì từ liên minh khí đốt Nga - Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thống Nga Putin đã đưa ra sáng kiến thành lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, đây là nước đi để tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ là sáng kiến của Tổng thống Putin |
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay khởi công xây dựng trung tâm khí đốt đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là sáng kiến của Tổng thống Putin nhằm tìm kiếm khách hàng mới khi châu Âu kích hoạt lệnh cấm vận.
Theo cách thức hợp tác mới này, khí đốt Nga chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống “TurkStream” xuyên Biển Đen - giải pháp thay thế sau khi đường ống Nord Stream ở Biển Baltic bị hỏng.
Có thể hình dung rằng, khách hàng có thể mua khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị mang tiếng “vi phạm lệnh cấm vận”. Dĩ nhiên, nó còn đem đến cơ hội cho châu Âu - khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng về an ninh năng lượng. Và đây cũng là cách Moscow lách qua “khe cửa hẹp” để có thể vận hành lĩnh vực kinh tế vô cùng quan trọng của họ.
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Uzbekistan là những khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt mới. Ngoài ra, cũng có triển vọng về việc vận chuyển khí đốt tới Pakistan và Afghanistan thông qua cơ sở hạ tầng Trung Á hoặc từ lãnh thổ Iran trên cơ sở hoán đổi: Nga sẽ nhận khí đốt của Iran ở phía Nam đất nước và đổi lại cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Iran qua ngõ phía Bắc.
Ở đây, cần thấy rằng, nếu châu Âu “cai” thành công năng lượng Nga thì đó không chỉ là thiệt hại kinh tế với Nga, mà Moscow sẽ mất vai trò ở châu Âu khi không còn “quân át chủ bài” để mặc cả với đối phương.
Nhiều thập kỷ nay, vì năng lượng Nga mà châu Âu không thể nghiêng hẳn về phía Mỹ cho dù hợp tác EU - Mỹ ở trên mức bình thường. Thậm chí khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, châu Âu cũng không thể tự tin quyết định nên cấm vận Nga như thế nào?
Còn xét về khía cạnh kinh tế, Nga cung cấp tới 20% khí đốt và 20% dầu mỏ cho toàn thế giới, mang về hơn 40% nguồn thu ngân sách hàng năm. Do vậy, họ cần duy trì hệ thống khách hàng ổn định, đặc biệt là châu Âu, nơi luôn khát năng lượng.
Chính vì thế, Nga bằng mọi cách tuồn khí đốt cho các nước châu Âu để xóa bỏ ý định tìm nguồn cung khác. Thực tế, Brussels đã tìm đến khí đốt và dầu mỏ châu Phi, gồm các nước sở hữu trữ lượng đáng kể như: Nam Phi, Tanzania, Senegal, Nigeria, Ai Cập, Algeria hay Mozambique,…
Tất cả khách hàng đều có thể mua khí đốt Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP) |
Sở dĩ Nga chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác khí đốt là vì nước này luôn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cục diện khu vực; đồng thời là “một bên” quan trọng mà Tổng thống Putin nhiều lần phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trở thành trung tâm khí đốt ở châu Âu mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ cả lợi ích kinh tế và tăng quyền lực “mềm” của quốc gia này. Moscow dường như muốn phát đi thông điệp muốn nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của người đồng cấp Edogan.
Ví dụ như việc bỏ phiếu vòng cuối cùng cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen, kể cả việc “đối xử” với tàu bè Nga qua eo biển Istanbul, lối duy nhất ra đại dương của Nga trong vùng biển này.
Tổng thống Tayyip Edogan là người đề cao “chủ nghĩa lợi ích quốc gia”, ông không ngần ngại thay đổi lập trường với EU - Nga - Mỹ để đạt được lợi ích trước mắt.