Thấy gì từ cơ cấu thu ngân sách nhà nước năm 2022
Theo thông tin từ Bộ Tài Chính, năm 2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt, bằng 127,8% dự toán; trong đó có đóng góp từ mức thu vượt khá tới hơn 38% của thuế thu nhập cá nhân...
Cụ thể, Bộ Tài Chính thống kê, tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021 (NSTW đạt 125,8% dự toán; NSĐP đạt 129,9% dự toán).
Các chính sách hỗ trợ qua giảm thuế với xăng dầu ước thực hiện khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng |
Thu dầu thô vượt, "trợ thuế" xăng dầu khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng
Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đáng chú ý giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Khá đặc biệt, cũng liên quan đến giá xăng, dầu với diễn biến tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài Chính cho biết để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, ổn định đời sống người dân, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn với quy mô dự kiến khoảng 32 nghìn tỷ đồng (Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022, khoảng 24 nghìn tỷ đồng và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 07/7/2022, khoảng 8 nghìn tỷ đồng). Ước thực hiện các chính sách này năm 2022 khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.
Thu từ chuyển nhượng nhà đất, chứng khoán năm 2021
Cũng trong danh mục đóng góp thu NSNN, theo Bộ Tài Chính, một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán,... được nộp trong quý I năm 2022.
Bộ cũng cho biết các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán.
Vietcombank và Vietinbank góp cổ tức cao, Agribank sắp tăng vốn
Ngoài ra, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2022 đã có sự hồi phục.
Agribank sắp được tăng thêm vốn điều lệ 6.753 tỷ đồng, theo dự toán NSNN năm 2023 |
Đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và VietinBank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Cũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trong phần kết quả hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính cũng cho biết về tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là 6.753 tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2023 (Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về phân bổ NSTW năm 2023).
Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng; ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm. Nhờ đó, có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu từ nhà, đất đạt 154,5%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 118,2% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất -kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 114,3% dự toán, tăng 7,4% so với năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,6% dự toán, tăng 11,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 121,5% dự toán, tăng 5,9%). |
Còn 2 khoản thu không đạt dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 72% dự toán, bằng 73,3% so cùng kỳ) do thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 18/2022/UBTVQH15 và số 20/2022/UBTVQH15 tác động làm giảm thu NSNN và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đạt 12,1% dự toán) do tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Áp lực thu ngân sách năm 2023
Theo cơ cấu thu NSNN của Bộ Tài chính công bố, có thể thấy TTCK và bất động sản giai đoạn tăng trưởng cao, với hoạt động giao dịch, chuyển nhượng sôi động, đã đóng góp rất tích cực cho NSNN. Điều này cũng đặt ra không ít quan ngại về kế hoạch thu thuế năm 2023, khi xét trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản năm qua, cùng với đó là chặng thoái trào của TTCK từ đỉnh cao lịch sử đã bốc hơi liên tục về vùng giá thấp khiến nhà đầu tư bán tháo, thì hoạt động giao dịch chuyển nhượng và cả thu NSĐP đều sẽ bị "hụt". Quan ngại này có thể sẽ sớm được phản ánh ngày vào quý I/2023, khi thu từ các giao dịch, chuyển nhượng tài sản tài chính sẽ không còn được "kế thừa" quyết toán như năm liền trước.
Như vậy đây sẽ là một trong những khó khăn đối với nhiệm vụ và mục tiêu, theo kế hoạch cân đối ngân sách Nhà nước năm 2023 mà Bộ Tài Chính đã dự toán, công bố kèmtheo Quyết định số 2506/QĐ-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2022.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào cuối năm 2022, nói về khó khăn của bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA) cho biết, thực tế hị trường bất động sản đã gặp khó khăn từ tháng 7/2015 cho đến nay do yếu tố lớn nhất là vướng mắc các các quy định pháp luật. Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, từ 1/7/2015 cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% từ 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023.
Riêng năm 2022, bên cạnh những vướng mắc về pháp lý, thị trường bất động sản cũng gặp vướng mắc về mất cân đối sản phẩm cùng một số yếu tố tác động khác như khó tiếp cận tín dụng, thị trường trái phiếu...
Ông Châu cho biết, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2022 tăng 37%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính nhìn nhận, từ tháng 7/2022 tốc độ thu ngân sách giảm dần. Điều này cũng phản ánh chỉ số PMI bị giảm. Cùng với đó, thiếu các đơn đặt hàng dẫn tới thất nghiệp; Tiền VNĐ bị sụt giá. Giá bán bị giảm do tổng cầu trên toàn cầu giảm. Trong khi đó, bất động sản là một trong những ngành kinh tế, giữ vai trò động lực và có tinh lan tỏa rất lớn, đóng góp cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội nhà ở. Do đó, rất cần có những động viên công bố kịp thời để củng cố niềm tin trên toàn xã hội.
Theo ông, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, cần phải hướng về nhu cầu thực. Mặt khác, để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, tập trung vào nhu cầu 100 triệu dân trong nước và đặt nền móng phát triển cho tương lai. Chủ trương và các chỉ đạo tập trung tối đa nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Chính phủ đang cho thấy định hướng này, và điều này không chỉ phục vụ cho hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài. Thị trường bất động sản sẽ được thụ hưởng những thành quả.
Trước áp lực của nhiệm vụ triển khai thu thuế nhà nước năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp quản lý thu đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đặc biệt trong đó, là thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Hà Nội và TP HCM thu ngân sách đạt gần 700 nghìn tỷ đồng |
Thu từ dầu thô đóng góp gần 4,5% tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng |
Tin tức kinh tế ngày 3/1: Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15% |