“Bắt mạch” chứng khoán 2023
Nếu năm 2022 là năm đi xuống của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thì năm 2023 có thể được coi là năm phục hồi từ vùng đáy.
Năm 2022 đã gây nhiều thất vọng đối với nhiều nhà đầu tư trên TTCK do có nhiều yếu tố bất định tác động đến thị trường, như FED liên tục tăng mạnh lãi suất, các vụ lùm xùm liên quan đến thao túng cổ phiếu…
Một năm thăng trầm
FED liên tục tăng lãi suất đã kích hoạt làn sóng tăng lãi suất của nhiều NHTW khác, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine leo thang đã không chỉ khiến Mỹ và Châu Âu phải đối mặt với tình trạng giá xăng dầu, khí đốt tăng mạnh, khiến tình trạng lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều số liệu vĩ mô hiện nay còn cho thấy kinh tế thế giới có thể đối mặt với tình trạng suy thoái trong năm 2023.
Kinh tế Việt Nam đã có nhiều may mắn hơn khi tình hình kinh tế, chính trị vẫn ổn định. Đặc biệt, việc tham gia nhiều FTAs đã mang lại cho Việt Nam những lợi thế và khả năng chống choi được những cú sốc lớn đến từ nền kinh tế thế giới. Câu chuyện tăng trưởng kinh tế không phải là điều chúng ta lo lắng mà khả năng điều hành, chính sách kiểm soát tỷ giá và đặc biệt hơn cả đó là câu chuyện niềm tin của các nhà đầu tư (NĐT) mới là quan trọng.
Có lẽ chỉ mới năm ngoái nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính, nhà đầu tư chuyên nghiệp còn có thể nghĩ đến việc VN-Index tăng điểm hướng tới 1.800-2.000 điểm. Nhà đầu tư không thể hình dung được tại sao chỉ sau 1 năm TTCK Việt Nam đã “quay xe” nhanh đến như vậy. Điều này đã gây ra khủng hoảng niềm tin không chỉ đối với kênh đầu tư cổ phiếu mà còn cả các lĩnh vực khác như trái phiếu, bất động sản.
Nhưng điều mà chúng ta có thể khẳng định đó là nền kinh tế, TTCK đang trải qua giai đoạn khó khăn, thanh khoản giảm. Quá trình phục hồi niềm tin NĐT sẽ phụ thuộc nhiều khả năng điều hành, các quyết sách của Chính phủ, NHNN, Bộ tài chính, UBCK.
VN-Index có thể hồi phục về mốc 1.280-1.300 điểm vào quý III/2023 |
Kỳ vọng thị trường phục hồi
VN-Index có thể hồi phục về mốc 1.280-1.300 điểm vào quý III/2023. TTCK cũng đang tuân theo các chu kỳ biến động tăng, giảm điểm lớn với các pha hồi phục kéo dài từ 9-18 tháng so với các giai đoạn điều chỉnh lớn từ 6-9 tháng trong các giai đoạn 10 năm trở lại đây.
VN-Index sau khi tạo đáy trung hạn tại mốc 875-900 điểm đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi tích lũy dần về các vùng cản 980-1.000 điểm, kế tiếp là 1.100 và 1.200 điểm. Nếu kinh tế vĩ mô không gặp các khó khăn, bất lợi lớn thì TTCK sẽ khó điều chỉnh sâu dưới mốc 880-900 điểm.
Quá trình tăng tốc của TTCK cũng sẽ đến từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam khi mà quý III hàng năm vẫn là quý có mức tăng trưởng tốt nhất, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết có diễn biến khả quan hơn.
Cơ hội mở ra với các nhà đầu tư khi giá nhiều cổ phiếu hàng đầu giảm về mức hấp dẫn |
Quan tâm đến nhóm ngành nào?
Nếu giao dịch khối nội đang cho thấy sự “hụt hơi” thì giao dịch khối ngoại lại là điểm đáng chú ý nhất trong 2 tháng cuối năm nay. Sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp, các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư chủ động đã “ra tay” mạnh ở giai đoạn quý IV/2022. Tổng giá trị mua ròng liên tục tăng mạnh trong tháng 11, 12 với lần lượt là 16 nghìn tỷ đồng và 10,2 nghìn tỷ đồng. Đây có thể là tín hiệu cảnh báo sớm cho thấy năm 2023 sẽ là năm giao dịch của khối ngoại khi căng thẳng lạm phát hay lãi suất hạ nhiệt.
NĐT nước ngoài cũng chú ý đến mặt bằng lãi suất, mặt bằng giá của nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm về mức giá chiết khấu lớn và hấp dẫn như giai đoạn hiện nay. Những cổ phiếu lớn nhóm VN30, các cổ phiếu đứng đầu ngành tài chính, công nghệ, năng lượng, hóa chất, bán lẻ như STB, DGC, HPG, VPD được sự quan tâm lớn của các NĐT tổ chức.
Cơ hội sẽ mở ra với các nhà đầu tư giá trị khi nhiều cổ phiếu hàng đầu đã và đang giảm về mức giá rẻ, hấp dẫn. Hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, các thương vụ M&A có lẽ sẽ gia tăng trong năm 2023, điều này sẽ thu hút dòng tiền của các NĐT cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp