Năng lượng hạt nhân sẽ ra sao nếu không có uranium của Nga?
(PetroTimes) - Một số quốc gia trên thế giới đã bất ngờ hoan nghênh năng lượng hạt nhân tham gia vào hỗn hợp năng lượng sạch, trong bối cảnh ứng phó với tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu và giá dầu tăng cao.
Tuy nhiên, sự phục hưng của năng lượng hạt nhân không được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, với nhiều quốc gia vẫn hoài nghi, không sẵn sàng chấp nhận hạt nhân là câu trả lời cho các vấn đề năng lượng của thế giới.
Nội bộ châu Âu chia rẽ
Sự chia rẽ này, đặc biệt tại châu Âu, có thể có tác động lớn đến sự phát triển của nhà máy điện hạt nhân trên toàn khu vực, vì một số quốc gia từ chối kế hoạch nâng công suất năng lượng hạt nhân của EU.
Sau nhiều thập kỷ không sử dụng năng lượng hạt nhân, phần lớn là do lo ngại về an toàn sau 3 thảm họa hạt nhân trên thế giới, một số cường quốc đã đưa năng lượng hạt nhân trở lại chương trình nghị sự khi cố gắng đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Mỹ và Vương quốc Anh là hai quốc gia đang cung cấp mức tài trợ cao và hỗ trợ chính trị cho các dự án hạt nhân mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Tại Mỹ, sản lượng năng lượng hạt nhân đã ổn định kể từ những năm 1980, cung cấp khoảng 19% điện năng của đất nước hiện nay. Nhưng việc xem xét lại rủi ro an toàn liên quan đến các hoạt động hạt nhân trong bối cảnh tình hình khí hậu hiện tại đã khiến Mỹ cởi mở hơn với các dự án hạt nhân mới.
Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, chính phủ đã mua 20% cổ phần của nhà máy hạt nhân Sizewell C ở Suffolk với giá 100 triệu USD vào tháng 6. Và Hinkley Point C của EDF dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào năm 2027, với chi phí từ 30 đến 31,5 tỷ USD. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng vạch ra kế hoạch phát triển 8 lò phản ứng hạt nhân vào cuối thập kỷ này.
Về phần mình, Hungary vẫn cam kết mạnh mẽ với một dự án hạt nhân đã được lên kế hoạch với Nga. Dự án Paks 2 dự kiến sẽ được tài trợ bởi Nga với khoản vay 10,6 tỷ USD. Đây là dự án nối tiếp nhà máy điện hạt nhân Paks 1, nằm cách Budapest khoảng một giờ về phía nam, được Liên Xô xây dựng vào những năm 1980. Khi vòng đời của nhà máy sắp kết thúc vào những năm 2030, Thủ tướng Viktor Orban đã ký một thỏa thuận với Vladimir Putin vào năm 2014 để xây dựng hai lò phản ứng 1.200 MW mới bên cạnh những lò phản ứng cũ.
Công việc giải phóng mặt bằng bắt đầu vào tháng 8/2022 sau nhiều năm trì hoãn. Nhà máy ban đầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, nhưng điều này ngày càng khó xảy ra, đặc biệt là do xung đột Nga - Ukraine. Phần Lan đã từ bỏ một nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng trên bán đảo Hanhikivi giữa chừng vì chiến tranh. Và không có gì ngạc nhiên khi một số cường quốc châu Âu khác phản đối mối quan hệ thân thiết của Hungary với Nga.
Trong khi nhiều người lo ngại về dự án hạt nhân của Hungary vì có sự tham gia của Nga, thì một số quốc gia châu Âu khác lại phản đối các dự án hạt nhân mới.
Slovakia đã công bố kế hoạch chuyển sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện Mochovce. Được Liên Xô xây dựng vào những năm 1980, một lò phản ứng hạt nhân mới hiện đang được chuẩn bị để khởi động vào năm 2023, cung cấp 471 MW điện. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nó sẽ đáp ứng 13% nhu cầu điện của Slovakia, khiến quốc gia này có thể tự cung tự cấp. Nhưng nước láng giềng Áo kiên quyết phản đối sự phát triển của năng lượng hạt nhân do chi phí liên quan cao - cả về tiền bạc và chất thải phóng xạ. Áo cũng lo ngại rằng Slovakia sẽ dựa vào Nga để cung cấp uranium cho các hoạt động của họ, với khoảng 1/5 lượng uranium của EU đến từ Nga.
Dư luận về năng lượng hạt nhân bị chia rẽ rất nhiều, với 60% người Slovakia tin rằng năng lượng hạt nhân là an toàn, trong khi 70% người Áo nghĩ ngược lại.
Sự phụ thuộc toàn cầu vào Nga
Giới chuyên gia hiện lo ngại rằng sự phụ thuộc toàn cầu vào uranium của Nga để cung cấp năng lượng cho nhiều dự án có thể khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới rơi vào tình thế khó khăn, trong bối cảnh họ đã đưa ra các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga và cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Đầu năm nay, Mỹ đã công bố gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD cho các nhà máy hạt nhân hiện có của nước này. Chính phủ Mỹ và Bộ Năng lượng (DoE) đã hợp tác trong một kế hoạch giúp đỡ các nhà máy hạt nhân trên toàn quốc đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng nhằm hỗ trợ kéo dài tuổi thọ của năng lượng hạt nhân tại Mỹ, như một phần của quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia.
Mặc dù đang gây tranh cãi, năng lượng hạt nhân được coi là trung hòa carbon, và do đó là chìa khóa để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Kể từ đó, việc ra mắt Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Biden đã khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đạo luật này cung cấp nhiều loại trợ cấp, bao gồm tín dụng thuế sản xuất để giúp duy trì đội ngũ nhà máy hạt nhân hiện có và ưu đãi thuế để phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới.
Trong khi việc phát triển các tài sản hạt nhân của mình thể hiện một bước tiến trong phong trào trung hòa carbon, Mỹ có một thách thức rất lớn phải vượt qua để các nhà máy điện hạt nhân của họ thành công - đó là sự phụ thuộc vào uranium của Nga.
Loại uranium mà các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ yêu cầu để chạy chỉ được bán thương mại bởi một công ty trên thế giới, một công ty con của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga (ROSATOM). Hiện tại, các công ty hạt nhân của Mỹ mua khoảng một nửa lượng uranium mà họ sử dụng từ các công ty nhà nước ở Nga, Kazakhstan và Uzbekistan.
Scott Melbye, Phó Chủ tịch điều hành của Uranium Energy Corp., cho biết: "Chúng tôi ước tính rằng có hơn 1 tỷ USD hàng năm mua nhiên liệu hạt nhân chảy vào ROSATOM".
Cho đến nay, không có biện pháp trừng phạt nào được áp dụng đối với ROSATOM do sự phụ thuộc toàn cầu vào tập đoàn này để điều hành các hoạt động năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.
Điều này có vẻ trái ngược với việc Mỹ và châu Âu dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga để chuyển sang các nguồn thay thế, áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với dầu khí của Nga.
Mỹ đang cố gắng cải thiện thị trường uranium của mình, với khoản đầu tư IRA trị giá 700 triệu USD để hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng quốc gia đối với uranium (HALEU). DoE tin rằng động thái này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của đất nước vào Nga đối với 20% các dịch vụ chuyển đổi và làm giàu cần thiết cho nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân của nước này.
Mặc dù vậy, đây là một chặng đường dài để cung cấp cho các quốc gia trên toàn thế giới giải pháp thay thế cần thiết để tự loại bỏ uranium của Nga, khi một số cường quốc thế giới lên kế hoạch cho các dự án hạt nhân mới trong thập kỷ tới.
Bình An