Năng lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển ra sao trong tương lai
(PetroTimes) - Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển năng lượng hạt nhân trong những năm tới, trong bối cảnh giá nhiên liệu trở nên bất ổn.
Tình hình hiện tại ở Trung Quốc
Sau khi Nhật Bản xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima, Trung Quốc đã đình trệ tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân. Như nhiều quốc gia khác, Bắc Kinh đang hồi sinh ngành công nghiệp này. Hiện nay, Trung Quốc có lĩnh vực hạt nhân dân sự lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Quốc gia này hiện có 54 lò phản ứng hạt nhân thương mại, tập trung ở những thị trấn nhỏ ven biển.
Tuy nhiên, vào năm 2021, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 5% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng 26 lò phản ứng và đã triển khai nhiều dự án dài hạn khác. Đối với những vùng ven biển Trung Quốc, năng lượng hạt nhân là một cơ hội lớn. Trên thực tế, đất nước này đang đối mặt với vấn đề mất cân đối lớn giữa cung và cầu về điện năng.
Cụ thể, ngành công nghiệp hạt nhân tập trung chủ yếu ở miền Đông Trung Quốc, dọc theo vùng ven biển. Mặt khác, những nguồn sản xuất điện khác thì lại nằm xa bờ biển. Đã vậy, đường dây siêu cao áp đòi hỏi rất nhiều kinh phí và trình độ kỹ thuật để xây dựng.
Điện hạt nhân sẽ đáp ứng được lượng nhu cầu tiêu thụ cực cao của những vùng công nghiệp ven vùng biển địa phương. Lợi thế khác bao gồm giá mềm và phát thải ít carbon. Theo loạt tài liệu quy hoạch được biên soạn vào cuối những năm 2000, Trung Quốc từng đặt mục tiêu đạt được 70GW điện hạt nhân vào năm 2020, và 120GW vào năm 2030. Nhưng trên thực tế, tổng công suất nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc chỉ là 51GW vào năm 2020.
Thay đổi tình thế
Trung Quốc chỉ đặt một mục tiêu khiêm tốn: Đạt được 75GW điện hạt nhân từ nay cho đến năm 2025. Như vậy, Trung Quốc, nhất là ngành công nghiệp của họ, vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào than nhiệt. Vào năm 2020, công suất nhiệt điện than đạt trên 1000GW.
Thảm họa hạt nhân Fukushima xảy ra vào năm 2011 là một trong những lý do chính gây ra sự chậm trễ trong việc phát triển điện hạt nhân ở Trung Quốc. Vì sau đó, Cục Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (NNSA) đã ra lệnh đình chỉ tất cả công trình hạt nhân mới. Nhưng NNSA cũng đã đánh giá lại và cải thiện những tiêu chuẩn an ninh quốc gia.
Cụ thể, NNSA chỉ đình chỉ hoạt động xây dựng những nhà máy điện ở trong vùng không giáp biển. Do đó, vào thời điểm được cấp phép xây dựng, nhiều dự án đã trở nên lỗi thời. Có nhiều dự án ở tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên và Giang Tây đã gần như hoàn thành xây dựng hoặc đã hoàn tất công đoạn đào hố móng.
Nhìn chung, Trung Quốc đã bắt buộc những dự án này phải ngừng xây dựng. Chưa kể, NNSA cũng ra quyết định loại bỏ những nhà máy điện hạt nhân thế hệ 2, và chuyển sang xây dựng nhà máy thế hệ 3 nhằm củng cố được thêm mức độ an toàn. Nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa biết cách xây dựng kiểu nhà máy này.
Trong những năm tới, Trung Quốc có thể tăng tiến độ phát triển năng lượng hạt nhân dân sự. Thật vậy, nhiều yếu tố đã thúc đẩy chính phủ tự phát triển lò phản ứng của riêng quốc gia này. Qua đó, họ phát triển được Hualong One - mẫu lò phản ứng hạt nhân nước áp lực thế hệ 3. Vào tháng 1/2021, Trung Quốc đã đưa nhà máy Hualong One đầu tiên của đất nước vào vận hành.
Một mục tiêu xa vời
Theo Trung Quốc, họ chọn cách tự phát triển vì phương Tây không có khả năng đáp ứng thời hạn và ngân sách cho hoạt động xây dựng những lò phản ứng. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã đẩy những doanh nghiệp khai thác hạt nhân của Trung Quốc vào vị trí rất dễ bị tổn thương.
Từ khi lò phản ứng Hualong One đầu tiên đi vào vận hành, nhiều dự án xây dựng mới đã xuất hiện dọc theo khu vực ven biển.
Ví dụ, trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm mới, tỉnh Sơn Đông sẽ xây dựng 12 lò phản ứng theo công nghệ của Trung Quốc. Hơn nữa, từ nay cho đến tầm 5 năm tới, Trung Quốc sẽ cố gắng tích hợp những dự án nhà máy mới này vào lưới điện quốc gia. Như vậy, trong khoảng thời gian này, than nhiệt sẽ có vai trò quan trọng nhất.
Trong quá trình phát triển điện hạt nhân, Trung Quốc phải đối mặt với một vài trở ngại. Hiện nay, quốc gia này không có cơ sở tái chế. Vì vậy, nhà máy sẽ tiếp tục lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng trong bể nước hoặc thùng phuy khô ngay bên trong cơ sở.
Mặt khác, NNSA sẽ tiếp tục cấm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại những tỉnh nội lục. Song, những tỉnh này có tiềm năng năng lượng mặt trời và gió đáng kể. Trong trường hợp không có nguồn năng lượng liên tục, những tỉnh này sẽ sử dụng khí đốt hoặc than đá, tức những nguyên liệu có nhiều carbon hơn.
Cuối cùng, nếu muốn đáp ứng được những tham vọng về môi trường của mình, Trung Quốc sẽ phải xây dựng rất nhiều công trình mới. Theo ước tính của tầm 10 bài nghiên cứu, vào năm 2050, năng lượng hạt nhân sẽ chiếm khoảng 16% cơ cấu điện năng của Trung Quốc. Để đạt được mức này, trong vài thập niên tới, Trung Quốc cần phải xây dựng hơn 10 nhà máy điện/năm.
Mô hình nào chuyển đổi cơ cấu năng lượng lý tưởng? |
7 nhận định về cơ cấu năng lượng tại Trung Quốc |
Trung Quốc thay đổi cơ cấu năng lượng nhanh và mạnh |
Ngọc Duyên