Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow sẵn sàng nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Yamal-châu Âu.
Hôm qua (25/12), hãng thông tấn của Nga TASS dẫn lời ông Novak cho biết: "Thị trường châu Âu vẫn mở, tình trạng thiếu khí đốt vẫn còn và chúng tôi có mọi cơ hội để tiếp tục cung cấp".
Phó Thủ tướng Nga dẫn ví dụ về đường ống Yamal-châu Âu trước đó đã bị dừng do lý do chính trị và hiện vẫn chưa được sử dụng.
Nga cho biết, Moscow sẵn sàng nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Yamal-châu Âu (Ảnh: Reuters). |
Đường ống Yamal-châu Âu thường chảy về phía tây, nhưng hầu như đã bị ngừng hoạt động kể từ tháng 12 năm ngoái khi Ba Lan từ chối mua khí đốt của Nga để chuyển sang sử dụng khí đốt dự trữ của Đức.
Hồi tháng 5, Warsaw đã chấm dứt thỏa thuận mua khí đốt của Nga sau khi từ chối yêu cầu của Moscow là thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp.
Nhà cung cấp khí đốt của Nga Gazprom đã cắt nguồn cung và cho biết sẽ không xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan sau khi Moscow áp lệnh trừng phạt đối với công ty sở hữu cổ phần tại Ba Lan của đường ống Yamal-châu Âu.
Theo ông Novak, Moscow đang thảo luận về việc cung cấp khí đốt bổ sung thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thành lập một trung tâm ở đó. Moscow ước tính vận chuyển 21 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới châu Âu vào năm 2022.
"Năm nay, chúng tôi đã có thể tăng đáng kể nguồn cung LNG cho châu Âu", ông nói và cho biết riêng trong 11, lượng LNG đến châu Âu đã tăng lên 19,4 tỷ m3, dự kiến đến cuối năm là 21 tỷ m3.
Trả lời phỏng vấn TASS, Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết, nước này đã đồng ý với Azerbaijan để tăng nguồn cung cấp khí đốt cho nhu cầu tiêu dùng của nước này.
"Trong tương lai, khi họ tăng sản lượng khí đốt, chúng tôi sẽ thảo luận về các giao dịch hoán đổi", ông nói và cho biết Moscow cũng đang thảo luận về việc cung cấp nhiều khí đốt hơn cho Kazakhstan và Uzbekistan.
Về lâu dài, theo ông Novak, Nga có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên đến các thị trường Afghanistan và Pakistan, bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung Á hoặc trao đổi từ lãnh thổ của Iran.
Theo Dân trí