Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
(PetroTimes) - Nhiều nhà băng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề xuất mức lãi tiết kiệm tối đa 9,5%/năm nhằm ổn định mặt bằng huy động.
Ảnh minh họa |
Từ ngày 19/12, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) điều chỉnh giảm 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm. Ngoài ra, MSB cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cao nhất với lãi suất đặc biệt, cán bộ công nhân viên ngân hàng, khách hàng ưu tiên từ 9,9%/năm xuống chỉ còn 9,5%.
Tương tự, OceanBank mới đây đã hạ mức lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm. Kienlongbank cũng mới điều chỉnh phần lớn biểu lãi suất huy động các kỳ hạn về 9,2%/năm.
Từ ngày 20/12, Ngân hàng Bảo Việt tiến hành giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Ngày 20/12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm khoảng 0,4-1% ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Còn lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống 9,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4% xuống 9,4%/năm. Trước đó, Saigonbank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống.
Cũng từng là ngân hàng có mức lãi tiết kiệm cao nhất thị trường lên tới 11,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng theo biểu lãi suất mới được công bố, lãi tiết kiệm cao nhất tại ABBank chỉ còn 8,4%/năm cho kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Cuối tháng 11, VPBank tung ra sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn Prime Savings với lãi suất phân kỳ tháng đầu và các tháng sau. Trong đó, ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất lên tới 11,1%/năm trong tháng đầu và 9,25%/năm cho các tháng sau. Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 11,07%/năm và các tháng tiếp theo là 9,22%/năm. Hiện VPBank chuyển sang áp dụng lãi suất cố định tối đa 9,25%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 9,22%/năm với kỳ hạn 24 tháng.
Lãi tiết kiệm cao nhất tại Ngân hàng SHB hiện chỉ 8,52%/năm. Kể cả khi được cộng thưởng 0,58%/năm theo chương trình khuyến mại riêng thì lãi tiết kiệm tại nhà băng này cũng chỉ 9,1%/năm.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào hiện cũng đưa lãi suất huy động về dưới vùng đề xuất của VNBA.
Chẳng hạn, SCB vẫn đang áp dụng biểu lãi suất huy động cao nhất 9,95%/năm với tất cả khoản tiền gửi online ở kỳ hạn 12 tháng trở lên. Với các khoản gửi 6-11 tháng với hình thức gửi online, SCB vẫn giữ mức lãi 9,9%/năm.
Hay Ngân hàng Đông Á hiện vẫn đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tới 9,85%/năm với các kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Trước đó, ngày 7/12, VNBA đã có một cuộc họp trước với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất.
Để đồng thuận với mức lãi suất không quá 9,5%/năm kể trên, các ngân hàng cũng đã đề nghị NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi...
Bên cạnh đó, các nhà băng cũng kiến nghị NHNN có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất, tránh tình trạng giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn chạm trần Việc các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là điều khó tránh trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày một lớn, trong khi các ngân hàng cũng đang cạnh tranh nhằm thu hút dòng vốn rẻ này. |
P.V (t/h)