Thị trường bất động sản sẽ vượt khó và sớm khởi sắc trở lại
(PetroTimes) - Đó là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản năm 2022” và trao chứng nhận "Dự án đáng sống 2022".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, thị trường bất động sản (BĐS) và các doanh nghiệp BĐS Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động. Các doanh nghiệp BĐS đối mặt với những khó khăn lớn về nguồn vốn, về lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án. Có thể nói 2022 là một năm khó khăn toàn diện của ngành BĐS. Các khó khăn này đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp BĐS và nguy cơ gây tác động domino lan toả đến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Ban Tổ chức trao chứng nhận top nhà phát triển dự án có 3 năm 2020 - 2021 - 2022 |
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, về khách quan, tình hình kinh tế thế giới với các thị trường vốn, tài chính đều xấu đi, thế giới kết thúc thời kỳ vốn giá rẻ, bước vào thời kỳ lạm phát và lãi suất cao. Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản liên tục, tác động tới thị trường toàn cầu. Dòng vốn vào bất động sản cao, kết thúc thời kỳ bất động tăng giá cao.
Tại Việt Nam, dòng vốn cho BĐS suy giảm đột ngột, tín dụng hết zoom. Các doanh nghiệp BĐS vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của những khó khăn này. Chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bán giải chấp khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn. Ông Phạm Tấn Công đánh giá, tất cả những điều này tạo ra bối cảnh hết sức khó khăn cho ngành BĐS.
Từ thực tế này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công yêu cầu doanh nghiệp cần khách quan nhìn nhận, có tầm nhìn phát triển bền vững, bởi thời kỳ vàng son của vốn rẻ cũng đã kết thúc theo Covid-19. “Trong giai đoạn khó khăn hiện nay các doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro...”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Đặc biệt Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, doanh nghiệp BĐS cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất từ khâu huy động vốn hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Đi kèm với đó là quan tâm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Các doanh nghiệp cũng cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.
Với thị trường 100 triệu dân, kinh tế và mức sống tăng trưởng nhanh, tốc độ đô thị hoá cao, trong dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển tốt, Chủ tịch VCCI tin rằng thị trường sẽ vượt khó thành công và sớm khởi sắc trở lại.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: BĐS Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển nhanh, tác động nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường này gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, có nguy cơ dẫn đến bong bóng, thể hiện ở một số khía cạnh. Đó là,về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm; những khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS như khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng; và những khó khăn do tâm lý khách hàng, một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin.
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận, chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản |
Theo các chuyên gia, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu sản phẩm nhà ở bất hợp lý, số nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người dân còn thiếu, nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình “thiếu trầm trọng”. Giá nhà cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào BĐS chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Gần đây, chính sách kiểm soát vốn và trái phiếu BĐS… đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; thách thức cho nhà quản lý, kìm hãm thị trường BĐS phát triển.
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, có thể thấy, thị trường BĐS năm nay phát triển khá bất thường và có sự khác biệt so với thế giới và khu vực. Cụ thể, TS Cấn Văn Lực chỉ ra 4 nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt này bao gồm “4 Đ”: Thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng; cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề.
Cùng với đó, TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, hiện nay có 6 vấn đề tác động lớn đến thị trường BĐS bao gồm: kinh tế vĩ mô bao gồm tăng trưởng, lạm phát, thu nhập, tỷ giá tác động rất mạnh; vấn đề pháp lý và thách thức trong vấn đề quản lý; vấn đề về quy hoạch và cơ sở hạ tầng; yếu tố tài chính: thuế phí. Tiếp theo là nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn từ các kênh vốn khác (huy động vốn cộng đồng…); vấn đề về các thông tin dữ liệu, tính minh bạch của thị trường và vấn đề cuối cùng là liên quan đến cung cầu và giá mua bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, thị trường BĐS rất đa dạng, mỗi địa phương lại có vướng mắc khác nhau. Ví dụ như vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn vướng mắc kéo dài. Hay có những địa phương quá trình triển khai lúng túng. Việc đưa ra Nghị định sửa nhiều Nghị định là rất tốt nhưng chưa đủ vì nhiều vấn đề chưa vượt qua được Luật. Do đó, cần có giải pháp trước mắt cho thị trường BĐS năm 2023.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Thị trường BĐS đặc biệt gặp nhiều khó khăn, nhất là tháng cuối năm. Trước đó, trong quý I và quý II năm nay, thị trường còn nhiều hy vọng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thành lập tổ công tác nhưng ông Hà cho rằng, tổ công tác cần hoạt động có hiệu quả hơn, trực diện hơn với những khó khăn của doanh nghiệp và cùng địa phương giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đề xuất cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường BĐS, nhất là cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá thấp hiện nay.
N.H