Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/12/2022
EU thu hẹp được bất đồng về mức trần giá khí đốt; Nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày; Đường ống TurkStream đang hoạt động gần hết công suất… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/12/2022.
OPEC dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày. Ảnh: Dailynewsegypt |
EU thu hẹp được bất đồng về mức trần giá khí đốt
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Công nghiệp CH Séc Jozef Sikela chủ trì, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với hai biện pháp khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, về việc mua chung khí đốt và đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho hoạt động lắp đặt năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc thông qua các biện pháp này còn phụ thuộc vào việc giải quyết mức trần giá khí đốt. Bộ trưởng Sikela cho biết mục tiêu của các bộ trưởng là thông qua cả 3 vấn đề này trong cuộc họp tới vào ngày 19/12. Theo ông Sikela, đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu (EC) về mức trần giá khí đốt sẽ được điều chỉnh nhằm thu hẹp bất đồng về vấn đề này giữa các nước thành viên EU.
Vấn đề mức giá trần khí đốt đang trở nên rất cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đã bước vào mùa đông lạnh giá với ít lựa chọn về năng lượng hơn do Nga giảm nguồn cung khí đốt nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva.
Nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,3% lên mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày. Mức tăng này giảm nhẹ so với con số 2,55 triệu thùng/ngày của năm nay.
Trong khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu hằng năm, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong quý IV/2022 và 2 quý đầu năm 2023, do hoạt động kinh tế và sản xuất trên thế giới suy yếu. Tuy nhiên, nhu cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 khi những rủi ro vĩ mô và địa chính trị giảm bớt, đặc biệt là sự phục hồi từ Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 11 giảm 744.000 thùng/ngày xuống 28,83 triệu thùng/ngày, với mức giảm lớn nhất là 404.000 thùng đến từ Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, sản lượng của 10 nước tham gia thỏa thuận đạt 24,48 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức hạn ngạch đã cam kết là 25,42 triệu thùng.
Czech kêu gọi nhanh chóng áp trần khí đốt
Phát biểu tại hội nghị bất thường các bộ trưởng năng lượng diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 13/12, Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela tuyên bố, EU cần ngăn chặn việc giá khí đốt lặp lại tình trạng tăng kỷ lục như mùa hè vừa qua và đề xuất về việc áp giá trần đối với khí đốt.
Vài tháng qua, các quốc gia EU đã cố gắng thống nhất các điều khoản của cơ chế ngăn chặn đà tăng mạnh của giá khí đốt - vấn đề cũng trực tiếp tác động tiêu cực đến giá điện. Hồi tháng 8/2022, giá khí đốt tại châu Âu đã lên tới 300 Euro/MWh, khiến một số nước EU phải đưa ra những biện pháp riêng rất tốn kém để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Bộ trưởng Sikela nhấn mạnh: "Chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian, bởi vì người dân và các doanh nghiệp ở châu Âu mong đợi một quan điểm rõ ràng, các biện pháp rõ ràng từ các nhà lãnh đạo châu Âu".
IEA muốn giúp châu Âu tránh khủng hoảng khí đốt
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa đề xuất một danh sách các biện pháp trị giá khoảng 100 tỷ EUR giúp Liên minh châu Âu (EU) tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Theo đó, IEA đề xuất EU hành động theo các hướng như: đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng; đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo; áp dụng kích thích tài chính để mua máy bơm nhiệt, thay đổi các biện pháp thuế gây hại cho điện khí hóa và tăng hỗ trợ cho điện khí hóa công nghiệp; điều chỉnh hệ thống sưởi bằng khí đốt trong các tòa nhà, lắp đặt đồng hồ đo thông minh, thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng khẩn cấp; thu hồi khí bị đốt và thải vào khí quyển ở các nước xuất khẩu, đưa các loại khí phát thải thấp mới vào các giao dịch mua khí đốt chung.
Theo IEA, nếu không áp dụng các đề xuất trên, chênh lệch giữa cung và cầu khí đốt ở châu Âu có thể lên tới 27 tỷ m3 vào năm 2023.
Nga cởi mở bày tỏ với Hungary một thực tế về khí đốt
Ngày 13/12, trên trang Facebook cá nhân, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó cho biết đã điện đàm với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak để thảo luận về các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.
Ông Szijjártó nói: “Ông Alexander Novak bày tỏ sự cởi mở với thực tế rằng, nếu có nhu cầu thay đổi các hợp đồng mua khí đốt dài hạn giữa Hungary và Nga do trần giá khí đốt, thì điều này sẽ có thể xảy ra”.
Ngoại trưởng Hungary cũng thông tin, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được sự đồng thuận trong cuộc họp ngày 13/12.
Đường ống TurkStream đang hoạt động gần hết công suất
Đường ống dẫn khí TurkStream đang hoạt động gần như hết công suất, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez ngày 13/12 thông tin sau cuộc họp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cùng ngày.
"Đường ống TurkStream đang hoạt động gần hết công suất. Không có sự khác biệt lớn giữa lượng cung cấp khí đốt theo hợp đồng và công suất của đường ống dẫn khí", Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Đường ống dẫn khí đốt TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) được đặt dưới Biển Đen, dẫn khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ. Công suất thiết kế của đường ống dẫn này đạt khoảng 31,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm. Khí đốt được cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó đến các nước châu Âu. Đường ống đã chính thức được đưa vào vận hành vào tháng 1/2020.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/12/2022 |
T.H (t/h)