Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/12/2022
EU kêu gọi thành viên thỏa hiệp để đạt thỏa thuận về giá trần khí đốt; Dầu mỏ Nga chuyển hướng sang châu Á; Ngân hàng Mỹ nhận định 2 yếu tố khiến giá dầu tăng mạnh trong năm 2023… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 13/12/2022.
Đầu nối khí Hy Lạp - Bulgaria. Ảnh: ICGB |
EU kêu gọi thành viên thỏa hiệp để đạt thỏa thuận về giá trần khí đốt
Trước thềm Hội nghị bất thường của các Bộ trưởng Năng lượng EU được tổ chức ngày 13/12, Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tất cả các quốc gia thuộc EU cần phải thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận về mức trần giá khí đốt trên toàn khối.
Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson kêu gọi đại diện của tất cả quốc gia thành viên thể hiện sự linh hoạt và đề xuất ý kiến, đồng thời ông Simson bày tỏ kỳ vọng sẽ có một cuộc thảo luận rất mang tính xây dựng để mang lại một giải pháp với sự hỗ trợ rộng rãi nhất có thể giữa các quốc gia thành viên.
Do những bất đồng về mức giá trần khí đốt, EU vẫn chưa chính thức thông qua các biện pháp khẩn cấp như mua chung hoặc chia sẻ khí đốt đối với các quốc gia thành viên trong trường hợp cần thiết. Phía Séc cho biết, nếu khối vẫn không thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị ngày 13/12, thì nước này sẽ cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU vào cuối tháng 12 này.
Dầu mỏ Nga chuyển hướng sang châu Á
Trong tuần đầu tiên kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần, tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga đã tăng từ mức 468.000 thùng/ngày lên tới 3,45 triệu thùng. Tuy nhiên, số chuyến hàng tới châu Âu lại tụt xuống mức thấp chưa từng có, trong khi số chuyến hàng đến châu Á lập đỉnh mới.
Cụ thể, nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ, trung bình lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 215.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến 9/12. Bulgaria là quốc gia duy nhất ở châu Âu còn nhập khẩu dầu Nga trong 3 tuần cuối cùng của giai đoạn này.
Đội tàu chở dầu của Nga đang chạy vòng quanh lục địa, qua kênh đào Suez để chuyển hàng tới Ấn Độ và Trung Quốc. Dòng chảy này đã giúp tăng thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tuần tính tới ngày 9/12, chiếm gần 90% tổng lượng dầu thô được Nga vận chuyển bằng đường biển trong cùng giai đoạn.
Ngân hàng Mỹ nhận định 2 yếu tố khiến giá dầu tăng mạnh trong năm 2023
BoA dự báo, năm 2023, giá dầu có thể biến động đặc biệt mạnh, trạng thái cân bằng không ổn định sẽ được thiết lập trên thị trường, điều mà bất kỳ người chơi lớn nào cũng có thể dễ dàng phá vỡ. Sự suy thoái đang nổi lên trong nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dầu khí.
Theo các nhà chiến lược của BoA, những lo ngại về tăng trưởng yếu hơn đã kéo giá dầu cũng như giá các hàng hóa khác xuống thấp hơn, nhưng một sự xoay trục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể mang lực cầu trở lại và đẩy giá dầu lên cao hơn.
Yếu tố quan trọng thứ hai có thể đẩy giá dầu thô Brent lên cao hơn là nỗ lực mở cửa trở lại của Trung Quốc. Rủi ro về cầu do Trung Quốc trì hoãn mở cửa trở có thể khiến giá dầu giảm, song việc Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình này sẽ tạo ra xu hướng tăng đối với giá dầu thô Brent. Theo BoA, năm 2023, nhu cầu dầu thô trên thế giới sẽ giảm xuống còn 1,55 triệu thùng/ngày với giá trung bình vào khoảng 100 USD/thùng.
Nga tăng cường cung cấp khí đốt cho Trung Quốc
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết vừa tăng nguồn cung khí đốt tháng 12 cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia - một phần của đường ống East Route. Tập đoàn này xác nhận lượng khí đốt mới tăng 16,1% so với mức cần cung cấp hàng ngày theo hợp đồng, theo yêu cầu của Trung Quốc.
Thông báo tăng lượng khí đốt trên được đưa ra một ngày sau khi công ty xây dựng Trung Quốc PipeChina cho biết đã hoàn thành một phần quan trọng của đường ống dẫn khí tự nhiên East Route giữa Nga và Trung Quốc. Đường ống này sẽ cho phép khí đốt được vận chuyển từ Nga đến Thượng Hải.
Đường ống East Route sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m khối khí đốt tự nhiên của Nga hàng năm, bắt đầu từ năm 2024. Đây là một phần trong thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD được ký kết giữa tập đoàn Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vào tháng 5/2014 và có hiệu lực trong 30 năm.
EU có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt vào năm tới
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/12 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể có đủ khí đốt sử dụng cho mùa đông năm nay, nhưng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào năm tới nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp, đồng thời kêu gọi các chính phủ hành động nhanh hơn để tiết kiệm năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, nếu Nga vẫn duy trì cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và nhu cầu khí đốt của Trung Quốc phục hồi sau phong tỏa do Covid-19, thì EU có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt 27 tỷ mét khối (bcm) khí đốt vào năm 2023. Ông khẳng định, đây là một thách thức nghiêm trọng.
IEA cho biết sự thiếu hụt có thể được ngăn chặn bằng cách mở rộng các khoản trợ cấp và chính sách cải tạo các tòa nhà ngốn khí đốt, thay thế hệ thống sưởi dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng máy bơm nhiệt và mở rộng phát triển năng lượng tái tạo.
Công ty Pháp lên kế hoạch khai thác khí đốt tại Liban
Công ty năng lượng Pháp TotalEnergies ngày 12/12 thông báo cam kết đến năm 2023 sẽ khai thác khí đốt từ khu vực 9 của Liban. TotalEnergies hiện nắm giữ 60% cổ phần tại khu vực 9.
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Năng lượng Liban Walid Fayyad và Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của TotalEnergies Patrick Pouyanné tại trụ sở của công ty này ở Pháp.
Israel và Liban hồi tháng 10/2022 đã ký thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm phân định biên giới trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận bao gồm một khu vực tại Địa Trung Hải có các mỏ khí Karish và Qana có tiềm năng lớn.
Argentina thu hút thêm đầu tư vào dự án đường ống dẫn khí đốt lớn nhất nước
Bộ trưởng Năng lượng Argentina Flavia Royon ngày 12/12 cho biết, Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil (BNDES) đã quyết định đầu tư 689 triệu USD cho giai đoạn 2 của dự án đường ống dẫn khí đốt Néstor Kirchner. Đây là công trình dẫn khí đốt từ vùng mỏ Vaca Muerta tỉnh Neuquén - một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí phi truyền thống lớn nhất thế giới.
Ông Royon cũng xác nhận Chính phủ đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) về gói tín dụng trị giá 540 triệu USD cho dự án Néstor Kirchner. Bộ trưởng Royon khẳng định dự án Néstor Kirchner với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3 tỷ USD sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước, đồng thời tạo ra một lượng lớn ngoại hối từ xuất khẩu.
Giai đoạn 1 của đường ống khí đốt Néstor Kirchner, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023 với số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024 với công suất vận chuyển 22 triệu m3 khí đốt/ngày. Giai đoạn 2 kỳ vọng bổ sung 17 triệu m3 khí đốt/ngày cho thị trường, qua đó giúp Argentina có thể xuất khẩu năng lượng sang Brazil và Chile.
Ai Cập xây dựng trang trại điện gió với tổng kinh phí 12 tỷ USD
Người phát ngôn Bộ Điện lực và Năng lượng Tái tạo Ai Cập, ông Ayman Hamza cho biết nước này đang triển khai xây dựng một trong những trang trại điện gió lớn nhất thế giới, như một phần của các dự án đã được ký kết tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).
Báo chí Ai Cập ngày 12/12 dẫn lời ông Hamza cho hay 4 thỏa thuận về hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 28.000 MW đã được ký kết tại COP27, trong đó có một trang trại điện gió có công suất 10 GW với tổng kinh phí 12 tỷ USD.
Ông Hamza cho biết dự án này sẽ giúp Ai Cập xuất khẩu điện thông qua mạng lưới kết nối điện với châu Âu, cũng như sản xuất hydro xanh bằng cách tối đa hóa việc sử dụng các loại năng lượng khác nhau.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/12/2022 |
T.H (t/h)