IEA: Năng lượng tái tạo là nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025
(PetroTimes) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025, trong giai đoạn 2022-2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2.400 gigawatt (GW).
Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện hàng đầu toàn cầu vào đầu năm 2025. |
Trong báo cáo năng lượng tái tạo mới nhất, IEA cho biết giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu đã tạo ra một cú hích đối với an ninh năng lượng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến một số quốc gia ngày càng phụ thuộc vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. IEA kỳ vọng công suất tái tạo toàn cầu sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt (GW) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2027.
Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện hàng đầu toàn cầu vào đầu năm 2025. Tỷ trọng phát điện của năng lượng tái tạo từng năm sẽ tăng 10% trong suốt thời gian dự báo và đạt khoảng 38% vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% trong công suất điện bổ sung trên toàn cầu.
Năng lượng tái tạo cũng là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm.
Trong đó, sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng gió và mặt trời chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện.
Công suất phát điện của hệ thống quang điện đã được lắp đặt sẽ vượt qua công suất phát điện của than đá vào năm 2027. Khi đó, đây sẽ là nguồn phát có công suất lớn nhất thế giới. Công suất lưu trữ quang điện cũng sẽ tăng gấp 3 lần theo dự báo của IEA, tăng gần 1.500 GW trong giai đoạn này, vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027.
Công suất quang điện bổ sung hàng năm sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Mặc dù hiện nay chi phí đầu tư cao do giá thành hàng hóa cao, nhưng điện mặt trời là lựa chọn hiệu quả nhất về chi phí để phát điện mới ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Việc lắp đặt các nguồn quang điện (PV) độc lập như tấm pin mặt trời trên mái nhà sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền trên hóa đơn năng lượng do giá điện bán lẻ từ các nhà cung cấp điện lưới cao hơn và những chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Trong khi đó, công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó các dự án điện gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Các trang trại điện gió trên bờ mới, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cung cấp hơn 570 GW.
Tuy nhiên, việc bổ sung năng lượng điện gió trên bờ sẽ không phá vỡ kỷ lục hàng năm, được thiết lập vào năm 2020 cho đến khi kết thúc giai đoạn dự báo, nguyên nhân chính là do quy trình cấp phép kéo dài và cơ sở hạ tầng lưới điện không kịp thời được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung điện năng.
Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi đang tăng tốc trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu trong tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu giảm từ 50% vào năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2027 do các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh của Trung Quốc được triển khai nhanh hơn, đồng thời Mỹ trở thành một thị trường quan trọng đối với điện gió ngoài khơi.
IEA cũng cho biết, số liệu dự báo công suất năng lượng tái tạo tăng chủ yếu là do Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ đã xây dựng các chính sách năng lượng tái tạo, đồng thời thực hiện cải cách các chính sách và thị trường nhanh hơn dự đoán.
Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu bổ sung mới từ năm 2022 đến năm 2027 như một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tại Ấn Độ, các công trình lắp đặt năng lượng tái tạo mới sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn dự báo, dẫn đầu là điện mặt trời và được thúc đẩy bởi các cuộc đấu tranh giá cạnh tranh để đáp ứng mục tiêu của chính phủ là 500 GW công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Trong khi đó, Đạo luật giảm thiểu lượng phát của Hoa Kỳ đã đưa ra các đề xuất hỗ trợ bổ sung và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo được tạo ra ở Hoa Kỳ.
Sáng kiến “xanh” giúp người dân Canada tiết kiệm năng lượng |
Trung Quốc phá kỷ lục turbine điện gió lớn nhất thế giới |
Pháp tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo |
H.T