Vietcombank giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất
(PetroTimes) - Năm 2022, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan ban ngành, nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau khi đại dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh đã gần trở lại trạng thái bình thường. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Vietcombank quyết định triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank xoay quanh việc giảm lãi suất 1% trong những tháng cuối năm.
Vietcombank và Hateco Group ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện |
An ninh mạng - Bài toán cốt tử |
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank |
PV: Xin ông cho biết quy mô chương trình giảm lãi suất cho vay lần này của Vietcombank như thế nào? Doanh nghiệp có cần làm thủ tục gì để được hưởng ưu đãi lãi suất không?
Ông Nguyễn Việt Cường: Trong năm 2020-2021, do tác động nặng nề của dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã bị ảnh hưởng lớn. Để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, Vietcombank đã triển khai tổng cộng 09 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Song song với việc giảm lãi suất, Vietcombank cũng đã triển khai chính sách giảm phí, thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03, đồng thời triển khai các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong năm 2022 này, Khách hàng sẽ được giảm tới 1%/năm đối với khoản vay bằng đồng Việt Nam trong 2 tháng cuối năm. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank trong các năm vừa qua.
Đối với tất cả khách hàng thoả mãn điều kiện Chính sách ưu đãi lãi suất, Vietcombank đã chủ động thực hiện việc giảm lãi mà khách hàng không cần bất cứ hồ sơ chứng minh nào với ngân hàng. Việc này giúp Khách hàng giảm thiểu tối đa các thủ tục giấy tờ. Và đây là hành động thiết thực mà Vietcombank đã và đang hỗ trợ Khách hàng nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
PV: Trong bối cảnh áp lực lãi suất huy động gia tăng, Vietcombank có giải pháp gì để cân đối nguồn vốn, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Cường: Lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, trong đó có thể kể đến như biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch và bất ổn chính trị, giá dầu biến động, giá hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Để góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực đối với tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng nhà nước đã hai lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành trong giai đoạn vừa qua.
Trước áp lực tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động đầu vào tăng, Vietcombank đã tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay khách hàng.
Đồng thời, Vietcombank cũng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp giao dịch trực tuyến cho khách hàng nhằm tiết giảm thời gian, chi phí hoạt động cho doanh nghiệp qua đó góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, tạo sự thuận tiện cho KH cá nhân.
Với các biện pháp đã và đang triển khai, Vietcombank tin tưởng sẽ duy trì nguồn vốn có lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp và cá nhân vì mục tiêu góp phần nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.
PV: Mới đây NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Vậy tại Vietcombank đã và đang triển khai công tác này như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Cường: Năm 2022, cùng với việc thích ứng với trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai quyết liệt chương trình phục hồi phát triển kinh tế và đạt nhiều kết quả khởi sắc, sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Đồng hành cùng nền kinh tế, trong 11 tháng năm 2022, Vietcombank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hơn 17%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của ngành ngân hàng là 11,5% và cao hơn so với tăng trưởng cùng kỳ của Vietcombank so với các năm trước đó. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng này, Vietcombank đã góp phần ổn định dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo Công văn số 8253/NHNN-CSTT ngày 22/11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hoà nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trên cơ sở hạn mức được NHNN phân bổ cho Vietcombank những tháng cuối năm, bám sát các chỉ đạo của NHNN, Vietcombank dự kiến tập trung cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như các dự án trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, dự án năng lượng, sản xuất thiết yếu, phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, y tế, giáo dục, đào tạo…; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, Vietcombank cam kết đảm bảo cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, điều hành linh hoạt lãi suất huy động, đảm bảo thanh khoản và cân đối với nhu cầu sử dụng vốn của Vietcombank, tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hướng đến mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý.
PV: Vậy kế hoạch cho vay SXKD năm 2023 của Vietcombank như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Cường: Thực hiện chỉ đạo của Quốc Hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, Vietcombank tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/NĐ-CP ngày 20/05/2022, các nhu cầu vay vốn theo 05 lĩnh vực ưu tiên tại thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016… Bên cạnh đó, tập trung tăng trưởng tín dụng đối với các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vốn là thế mạnh của Vietcombank trên thị trường.
Bên cạnh đó, Vietcombank đặc biệt chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu khác biệt của các nhóm khách hàng khác nhau, đồng thời Vietcombank cũng chủ trương và đang nỗ lực không ngừng trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, bao gồm cả sản phẩm tín dụng nhằm tạo sự thuận tiện cho khách hàng và đem lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Trang Trần