Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/11/2022
(PetroTimes) - EU công bố mức giá trần khí đốt đề xuất; Mỹ sẽ trừng phạt mọi công ty không áp trần giá dầu Nga; Đức dự kiến áp đặt giá trần khí đốt từ tháng 1/2023… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/11/2022.
Mỹ đã ban hành quy định mới áp đặt các lệnh trừng phạt đối với mọi công ty, tổ chức không tham gia áp trần giá dầu Nga. Ảnh minh họa: RT |
EU công bố mức giá trần khí đốt đề xuất
Ngày 22/11, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh). Đề xuất trên sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng năng lượng EU dự kiến diễn ra ngày 24/11 tới.
Cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Bà Simson lưu ý việc áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh có thể không giúp hạ nhiệt giá khí đốt. Tuy nhiên, bà nói rằng biện pháp này sẽ cung cấp công cụ mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng khi cần, bổ sung cho những nỗ lực cơ cấu hơn nhằm giảm giá khí đốt, cụ thể là bằng cách kiểm soát nhu cầu và đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu thông qua mua chung và chính sách năng lượng bên ngoài tích cực.
Mỹ sẽ trừng phạt mọi công ty không áp trần giá dầu Nga
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nước này đã ban hành quy định mới áp đặt các lệnh trừng phạt đối với mọi công ty, tổ chức không tham gia áp trần giá dầu Nga. Nếu các công ty liên quan đến hoạt động thương mại, vận chuyển và bảo hiểm dầu mỏ của Nga không tuân theo mức áp trần giá dầu do Washington đưa ra, họ sẽ lệnh trừng phạt dựa theo quy định mới.
Theo hướng dẫn về áp trần giá dầu mỏ của Nga được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 22/11, các công ty cung cấp dịch vụ dầu mỏ của Mỹ chỉ được phép tiếp tục kinh doanh dầu từ Nga nếu giá trên hợp đồng bằng hoặc thấp hơn so với mức giá trần. Mức áp trần giá dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.
Các công ty phải tuân theo quy định mới của Bộ Tài chính Mỹ gồm vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, tài chính, bảo hiểm, môi giới và môi giới hải quan. Những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bị phát hiện vi phạm quy định có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đặt ra một mốc thời gian để các đơn hàng trước 5/12 được thực hiện (hoàn tất việc giao hàng trước ngày 19/1) mà không vi phạm lệnh cấm.
Nga dọa cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu qua đường ống Ukraine
Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom ngày 22/11 cho biết, Moldova đã thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga trong tháng 11, nhưng Ukraine đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt dành cho Moldova trên lãnh thổ nước này. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn trong những ngày tới, Gazprom này sẽ bắt đầu cắt giảm lưu lượng khí đốt thông qua trạm Sudzha GMS từ 10h sáng ngày 28/11.
Về phần mình, Ukraine đã cáo buộc Gazprom bóp méo sự thật. Nhà điều hành hệ thống dẫn khí đốt của Ukraine tuyên bố toàn bộ lượng khí đốt được Ukraine tiếp nhận ở biên giới nước này với Nga đã được chuyển tới Moldova.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Moldova Andrei Spinu tuyên bố trên Telegram: "Gazprom cáo buộc Ukraine và Moldova điều vốn không xảy ra trên thực tế. Tất cả khí đốt được cung cấp qua trạm bơm Sudzha sẽ do Moldova chi trả".
Tổng thống Nga ký sắc lệnh tăng thuế đối với dầu khí để bù thu ngân sách
Reuters đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật tăng thuế đối với ngành năng lượng của nước này trong giai đoạn 2023-2025. Các công ty dầu khí của Nga đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong năm nay, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo đó, thuế lợi tức đối với các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được tăng lên 34%. Mức thuế này được áp dụng cả với các nhà sản xuất LNG đã xuất khẩu ít nhất một lô hàng vào cuối năm 2022. Những thay đổi về thuế dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nghìn tỷ rúp (50 tỷ USD) vào kho bạc nhà nước trong 2 năm tới.
Tổng thống Putin cũng đã ký ban hành luật mới quy định về ngân sách. Theo luật mới, chi tiêu ngân sách sẽ được nới lỏng hơn. Như vậy, 8 nghìn tỷ rúp có thể được chi từ doanh thu dầu khí trong 3 năm tới, từ năm 2026, số tiền này sẽ chiếm 4%. Khoản chi phí này được xác định dựa trên tỷ giá hối đoái đồng đô la dự kiến ở mức 65-75 rúp.
Mỹ không cấm hoàn toàn dầu Nga
Ngày 22/11, Bộ Tài chính Mỹ công bố một giấy phép chung, trong đó có lời giải thích rõ ràng liên quan đến việc hạn chế mua dầu của Nga. Cụ thể, Washington cho phép thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến việc cung cấp dầu thô của Nga cho Bulgaria, Croatia, cũng như một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) không giáp biển.
Giá trần đối với dầu của Nga, như Bộ Tài chính Mỹ thông báo, sẽ không áp dụng trong trường hợp hoạt động chế biến quan trọng được thực hiện bên ngoài nước Nga. Bên cạnh đó, Mỹ chỉ cho phép các giao dịch liên quan đến việc bốc dỡ dầu của Nga trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến rủi ro tính mạng thủy thủ đoàn và việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Washington cũng cho phép mọi giao dịch liên quan đến vận chuyển dầu thô bằng đường biển đến Nhật Bản từ dự án Sakhalin-2 cho đến ngày 30/9/2023, với điều kiện "sản phẩm do Sakhalin-2 khai thác được nhập khẩu hoàn toàn vào Nhật Bản".
Đức dự kiến áp đặt giá trần khí đốt từ tháng 1/2023
Đức dự kiến áp đặt giá trần khí đốt từ tháng 1/2023, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, người tiêu dùng sẽ được mua khí đốt với mức giá bằng mức giá trần trong tháng 1 và 2/2023. Như vậy, các hộ gia đình và công ty nhỏ sẽ được hưởng lợi từ giá trần trong cả năm 2023 cho đến cuối tháng 4/2024.
Việc áp giá trần khí đốt tiêu thụ là một trong các biện pháp do ủy ban gồm các chuyên gia cố vấn cho chính phủ Đức. Theo báo cáo công bố cuối tháng 10, ủy ban trên khuyến nghị chính phủ nên áp trần giá khí đốt ở mức 12 cent Euro/1kWH đối với 80% mức tiêu thụ cơ bản của các hộ gia đình. Ủy ban cho rằng, nên triển khai chính sách mới từ tháng 3/2023 cho đến ít nhất cuối tháng 4/2024.
Ngoài các hộ gia đình, giá trần cũng được đề xuất áp dụng cho các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, với mức 7 cent Euro/1 kWh đối với 70% mức tiêu thụ cơ bản của các doanh nghiệp trong năm 2021.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/11/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/11/2022 |
T.H (t/h)