Bất động sản và đóng góp kinh tế
(PetroTimes) - Năm 2021, GDP của Việt Nam theo số liệu của World Bank là 362,6 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Tài chính (thông tin tại Thời báo Tài chính) thì năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đóng góp 3,58% GDP, xây dựng 5,98% GDP, tương ứng là 13 tỷ USD và 21,7 tỷ USD. Lưu ý, ý nghĩa của những con số này là giá trị gia tăng chứ không phải doanh thu.
(Ảnh minh họa) |
Số liệu 2019 cũng cho thấy đóng góp của một số ngành theo tỉ lệ GDP là: Tài chính ngân hàng 5,32%, Lưu trú 3,8%, Du lịch 9,2%. Cả 3 ngành này cùng với xây dựng có liên quan chặt chẽ với sản phẩm BĐS. Lưu trú và Du lịch hằng năm dựa trên sản phẩm BĐS tích lũy nhiều năm, còn ngân hàng và xây dựng thì chủ yếu liên quan sản phẩm BĐS ngay trong năm.
Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây, tiền thu sử dụng đất nộp ngân sách trung bình mỗi năm khoảng hơn 9 tỷ USD. Số tiền này thu trực tiếp từ dân một phần, một phần lớn là thu qua các doanh nghiệp có sản phẩm BĐS. Qua dư luận về một số vụ được coi là tiêu cực thì thực chất là mong muốn nhà nước thu được nhiều hơn nữa. Nhà nước thu càng nhiều thì dân càng phải bỏ ra nhiều cho nhà ở, giá dịch vụ lưu trú, du lịch, thuê văn phòng, cửa hàng sẽ càng phải cao hơn.
Nếu đánh giá BĐS là “bong bóng” nguy hiểm cho nền kinh tế thì chỉ có cách làm giảm giá trị đóng góp của BĐS trong GDP. Giảm GDP BĐS thì cũng phải chấp nhận các ngành khác giảm theo, đầu tiên là xây dựng, tiếp theo là ngân hàng. Ngành du lịch không được kỳ vọng tăng nhanh nhờ sản phẩm BĐS nữa. Tiền thu sử dụng đất phải giảm mạnh chứ không phải là đấu giá để thu càng cao càng tốt.
Lĩnh vực BĐS còn thu hút FDI hằng năm khoảng 10% vốn đăng ký mới. Lũy kế đến 2022 đạt 66 tỷ USD chiếm hơn 15% tổng vốn FDI đăng ký. Còn hàng loạt các ngành kinh tế khác liên quan đến BĐS và xây dựng như vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch, đồ nội thất…). Vừa mới đây, BĐS vừa mới khó khăn là các doanh nghiệp thép đã điêu đứng.
Kinh tế khủng hoảng ở phạm vi toàn cầu. Khó khăn thì sức mua giảm, BĐS bị ảnh hưởng ngay lập tức. Thế là dư luận bỗng như nhận ra BĐS là tội đồ. Như một chiếc xe đang chạy trên cao tốc 150 km/h mà phanh gấp thì xe rất có thể lật nhào. Xe lật thì xe tan nát, người trên xe trọng thương. Không chỉ có thế, cả đoạn đường cao tốc sẽ bị ách tắc vì vụ tai nạn. Xe cần cả động cơ và phanh, giỏi điều khiển thì an toàn, còn không là thảm họa. Doanh nghiệp bị chặn đứng dòng vốn thì chẳng khác gì cú phanh gấp.
Trong hoạt động kinh tế luôn luôn có doanh nghiệp sinh ra, có doanh nghiệp phá sản. Phá sản thì sẽ có người mất tiền, đầu tiên là chủ sở hữu, sau đến là đối tác, người lao động. Một doanh nghiệp có vấn đề không bao giờ là đại diện của cả ngành kinh tế. Các chính sách luôn phải xét đến tổng thể hài hòa chứ không dựa vào một hiện tượng cục bộ. Một bức tranh rộng lớn có đánh đổ cả lọ mực ra thì tìm cách tẩy đi, vẽ lại chứ không phải bỏ đi cả bức tranh.
Ngô Thái Bình