Nhiều ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn chạm trần
(PetroTimes) - Việc các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là điều khó tránh trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày một lớn, trong khi các ngân hàng cũng đang cạnh tranh nhằm thu hút dòng vốn rẻ này.
Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất không kỳ hạn chạm trần |
Sau thời gian dài các ngân hàng áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,03%, hiện một số ngân hàng đã tăng mức trần lãi suất lên đến 1%, mức chạm trần của lãi suất không kỳ hạn, điển hình như: Techcombank, VPBank, VietCapital Bank, SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB…
Trên thị trường huy động vốn hiện nay chỉ còn một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn duy trì mức lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm; Agribank và MB cùng áp dụng mức 0,5%/năm…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM, việc các NHTM điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn phù hợp với quy định và theo sự điều chỉnh lãi suất của NHNN. Ở góc độ quản trị, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng và cũng là một cách để ngân hàng khuyến khích khách hàng để tiền trên tài khoản thanh toán nhằm sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng số ngày càng nhiều tiện ích.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, trong bối cảnh lãi suất các kỳ hạn ngắn cũng tăng khiến người dân có xu hướng chuyển tiền trên tài khoản thanh toán về tiền có kỳ hạn. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất không kỳ hạn. Bởi nguồn vốn không kỳ hạn dù có tăng hết trần vẫn có lãi suất thấp hơn rất nhiều so với nguồn vốn có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Theo đó, ngân hàng nào càng có nhiều nguồn vốn không kỳ hạn, càng tạo ra được giá vốn thấp để đảm bảo mức chênh lệch nhất định giữa lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, từ đầu năm đến nay tỷ lệ CASA (nguồn vốn không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) của các ngân hàng cũng có xu hướng giảm. Đơn cử, Techcombank mặc dù vẫn dẫn đầu các ngân hàng về tỷ lệ CASA, tuy nhiên đến hết tháng 9/2022 tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm xuống còn 46,5% so với mức trên 50,5% thời điểm cuối năm 2021.
Theo thống kê của NHNN, tiền gửi thanh toán của cá nhân tính đến hết quý II/2022 đạt 979.115,54 tỷ đồng trong khi thời điểm cuối quý I/2022 là 1.040.774 tỷ đồng, giảm hơn 61.000 tỷ đồng.
Không còn ngân hàng nào huy động với lãi suất trên 10%/năm Biểu lãi suất huy động mới nhất của một số ngân hàng thương mại đã không còn xuất hiện mức lãi suất cao trên 10%, thậm chí 11%/năm như những ngày trước. |
P.V (t/h)