Đức rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng
(PetroTimes) - Sau Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, đến lượt Đức sẽ rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT), một thỏa thuận quốc tế 30 năm tuổi bị cáo buộc cản trở các chính sách bảo vệ khí hậu, theo tuyên bố của Chính phủ Đức.
"Chính sách thương mại của chúng tôi luôn đi theo hướng bảo vệ khí hậu và do đó Đức đã quyết định rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng", Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu, bà Franziska Brantner cho biết.
Bà Brantner nói thêm: "Động thái này là một tín hiệu quan trọng được gửi tới hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc", COP27 hiện đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập).
Các nhóm nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền ở Đức gồm: Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh và Tự do, hôm thứ Sáu đã ủng hộ Đức từ bỏ Hiệp ước ECT, theo đề xuất của chính phủ.
Đồng thời, Đức đồng ý ký kết Hiệp định thương mại CETA với Canada.
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) được ký kết vào năm 1994, trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.
Hiệp ước có sự tham gia của EU và khoảng 50 quốc gia. ECT được xem như một hệ thống tòa án riêng, qua đó các nhà đầu tư và công ty có thể yêu cầu các quốc gia bồi thường về những thay đổi chính sách có ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của mình, dù cho đó có là các chính sách bảo vệ khí hậu.
Một ví dụ điển hình là Công ty năng lượng RWE của Đức đang kiện chính quyền Hà Lan, đòi 1,4 tỷ euro tiền bồi thường tổn thất của một nhà máy nhiệt điện, sau khi Hà Lan thông qua luật cấm sử dụng than vào năm 2030.
Vào tháng 9, ECT buộc Ý phải bồi thường 180 triệu euro cho Công ty dầu khí Rockhopper của Anh vì đã từ chối giấy phép khoan ngoài khơi cho công ty này. Bên cạnh đó, Pháp cũng bị Công ty Đức Encavis AG kiện cáo do nước này đã sửa đổi biểu giá mua điện quang điện vào năm 2020.
Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp, là một trong số các quốc gia gần đây đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ECT.
Theo chân Hà Lan, Pháp rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng |
Nh.Thạch