Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “số phải phong phú hơn thực”
(PetroTimes) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số; được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình chất vấn tại Quốc hội |
Phiên thảo luận có 15 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo luận với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi, nhận và phân loại thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống…
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận.
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các ý kiến là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để hoàn thiện dự án Luật để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Do đó, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những ngoại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Do đó, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
Về phạm vi áp dụng Luật là dựa trên cơ sở hiện nay nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu.
Phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận sáng 11/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5.
Trước đó, phiên thảo luận tổ đã có 77 ý kiến phát biểu về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Cơ quan thẩm tra dự án Luật.
Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Luật; bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ.
P.V