Nhiều công ty dầu mỏ lớn bị chỉ trích tại COP27
(PetroTimes) - Vào hôm 8/11, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27), các nhà lãnh đạo của những quốc gia nghèo đã lên tiếng chỉ trích nhiều chính phủ và các công ty dầu lớn vì đã gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời yêu cầu họ trả giá cho những thiệt hại mà họ gây ra cho nền kinh tế.
Thật vậy, các quốc đảo nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi những cơn bão biển ngày càng dữ dội, theo đó là mực nước biển dâng cao. Vì thế, họ đã kêu gọi các công ty dầu mỏ trích tiền từ khoản lợi nhuận khổng lồ gần đây để quyên góp giúp đỡ. Trong khi đó, những quốc gia đang phát triển ở châu Phi cũng yêu cầu viện trợ từ nhiều quỹ quốc tế.
Tại COP27, Gaston Browne - Thủ tướng Antigua kiêm đại diện Liên minh những quốc gia đảo nhỏ đã phát biểu: “Ngành công nghiệp dầu khí tiếp tục tạo ra lợi nhuận gần 3 tỷ USD/ngày. Đã đến lúc những công ty này phải dùng siêu lợi nhuận để trả thuế carbon toàn cầu, để bù đắp những tổn thất và thiệt hại. Trong khi họ ngồi tạo ra lợi nhuận, thì hành tinh đang bùng cháy”.
Những bình luận trên đã phản ánh sự căng thẳng giữa những quốc gia giàu và nghèo trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Ông Macky Sall - Tổng thống Senegal cũng có chia sẻ tương tự. Ông cho rằng những quốc gia nghèo hoặc đang phát triển ở châu Phi cần được hỗ trợ tăng cường tài chính để có thể thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Đồng thời, ông cho biết những nước này sẽ phớt lờ những lời kêu gọi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vì việc này sẽ gây cản trở đến khả năng tăng trưởng kinh tế của họ.
Ông nói: “Hãy nhớ rõ, chúng tôi ủng hộ việc giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng người dân châu Phi chúng tôi không thể từ bỏ những nguồn lợi nhuận sống còn của mình”.
Đổ hàng tỷ USD vào chiến tranh
Ông Ranil Wickremesinghe - Tổng thống Sri Lanka cho biết, các chính phủ phương Tây rất nhanh tay trong việc đổ hàng tỷ USD vào cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng lại chậm trễ chi tiêu để đối phó với biến đổi khí hậu.
Ông nói: “Tôi không thể chấp nhận loại tiêu chuẩn kép này. Ai cũng thấy dòng tài chính đi vào khí hậu đã giảm... Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển lại muốn chần chừ trong việc rót tiền vì khí hậu. Đã vậy, họ chỉ đứng bên lề cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng dường như họ lại không ngại chi tiêu cho một cuộc chiến tranh”.
Trong ngày 8/11, hàng chục nguyên thủ quốc gia đã có các bài phát biểu. Thế nhưng, đa phần những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất trên thế giới, trong đó bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đã không có mặt trong chương trình nghị sự.
Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ vắng mặt cho đến tuần sau, nhưng phái đoàn của ông đã khai trương một gian hàng tại khuôn viên COP27. Đặc phái viên về khí hậu John Kerry cũng đã tham quan những khu vực lân cận.
Trong khi đó, Ai Cập - chủ nhà hội nghị, đang chịu luồng chỉ trích từ những nhà hoạt động nhân quyền vì đã bỏ tù ông Alaa Abd el-Fattah - nhà hoạt động người Anh gốc Ai Cập. Sau khi bị bắt giữ vì đã tham gia cuộc nổi dậy năm 2011 ở Ai Cập, ông Alaa Abd el-Fattah đang tuyệt thực trong một nhà tù Ai Cập.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hy vọng việc đăng cai tổ chức COP27 sẽ giúp Ai Cập tìm lại được vị thế trên trường quốc tế, vào thời điểm nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn.
Các nước mới nổi cần nguồn vốn khổng lồ để đạt được trung hòa carbon |
Tổng thống Mỹ sắp công du châu Á |
Thế giới trước nguy cơ nghèo đói năng lượng |
Ngọc Duyên