Đức thông qua lá chắn thuế năng lượng
(PetroTimes) - Theo lộ trình được Chính phủ trình bày hôm thứ Năm (3/11), lá chắn thuế năng lượng của Đức được Thủ tướng Olaf Scholz công bố sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023 nhằm giảm thiểu tác động của lạm phát.
Thủ tướng Olaf Scholz |
Việc giới hạn giá khí đốt và điện là mục tiêu chính của gói cứu trợ năng lượng trị giá 200 tỷ euro gây ra tranh cãi được Berlin công bố vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo dự thảo cuối cùng được Chính phủ Đức công bố, biện pháp giới hạn giá khí đốt sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023 đối với các công ty lớn và từ ngày 1/3/2023 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc hỗ trợ hồi tố cho các hóa đơn từ tháng 2/2022 cũng được xem xét.
Chính phủ sẽ trợ cấp 80% mức tiêu dùng của các hộ gia đình. Ngoài khối lượng này, các cá nhân sẽ phải mua khí đốt theo giá thị trường.
Việc giới hạn mức giá dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến tháng 4/2024.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, trong khi Nga đã cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho quốc gia này.
Theo công ty so sánh giá Check24, Berlin quy định giới hạn giá cho các hộ gia đình ở mức 12 cent/kWh, ngoại trừ hệ thống sưởi là 9,5 cent/kWh, so với mức trung bình hiện tại là 18,6 cent/kWh.
Đối với các nhà sản xuất, giá khí đốt sẽ được ấn định ở mức 7 cent/kWh, trong giới hạn 70% mức tiêu thụ.
Về điện, cơ chế này sẽ được áp dụng vào ngày 1/1/2023 với mức 40 cent/kWh cho các hộ gia đình và 13 cent/kWh cho các công ty lớn.
Trong khi chờ các biện pháp này được áp dụng, chính phủ sẽ chi trả toàn bộ hóa đơn khí đốt cho các hộ gia đình vào tháng 12/2022.
"Viện trợ khẩn cấp đang đến!", ông Olaf Scholz viết trên Twitter. Các phần khác của gói năng lượng vẫn phải được Hội đồng Bộ trưởng hoặc Nghị viện thông qua.
Lĩnh vực công nghiệp, đầu tàu của nền kinh tế Đức, đã kêu cứu trong nhiều tháng khi cho biết sự tồn tại của hàng nghìn công ty đang bị đe dọa.
Khoản hỗ trợ khổng lồ này của Đức đã gây phẫn nộ ở châu Âu. Nhiều quốc gia cáo buộc Berlin thiếu đoàn kết và thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh với các nền kinh tế khác.
Đặc biệt là khi Chính phủ Đức chống lại tình trạng đóng băng giá trên toàn châu Âu, do lo ngại cho sự an toàn của nguồn cung cấp khí đốt nếu một biện pháp như vậy được áp dụng trên lục địa này.
Ngọc Duyên