Đa dạng các hoạt động tại “Festival Làng nghề Việt Nam 2022”
(PetroTimes) - Festival Làng nghề Việt Nam 2022 là dịp để người Việt Nam cùng nhau “nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh hoa Việt”. Đó là nhấn mạnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Minh Hoan tại lễ khai mạc “Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022”.
Từ ngày 2 - 6/11, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra Festival Làng nghề Việt Nam 2022. Đây là sự kiện thường niên do Bộ NN-PTNT tổ chức. Trong đó, Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc “Festival Làng nghề Việt Nam 2022” |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống lâu đời, với lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi. Từ những nguyên liệu thô sơ, các nghệ nhân, thợ giỏi với sự khéo léo, tỉ mỉ, tài hoa đã tạo ra những sản phẩm mang lại cho người xem rất nhiều cảm xúc. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi người trong chúng ta không nên nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách thông thường mà hãy lắng đọng, suy tư để cảm nhận được hồn, cốt, tinh hoa của sản phẩm, tác phẩm, cao hơn là làng nghề tạo ra nó.
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ... nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó. Vì vậy, chúng ta nhìn sản phẩm là nhìn những giá trị kết tinh, hội tụ trong sản phẩm đó. Trong đó, đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi đang miệt mài đưa hơi thở cuộc sống, các giá trị văn hóa, lịch sử... vào từng tác phẩm. Do đó, mỗi người Việt Nam phải có trách nhiệm nâng niu, trân trọng những tác phẩm, sản phẩm, làng nghề, coi đó là một báu vật, di sản cần được bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ mai sau.
“Tài hoa kết tinh thành giá trị, hãy cùng nhau nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh hoa Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ |
Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi có sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc. Hội chợ giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; giới thiệu, quảng bá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương với kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại.
Đồng thời, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển tiềm năng văn hóa du lịch và ngành nghề nông thôn; khôi phục, phát triển nghề, phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đạt giải Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.
Hội chợ được tổ chức với quy mô 150 gian hàng đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước trưng bày các mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống trongb cả nước. Sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ, điển hình như gạo Séng Cù Lào Cai, gạo tám Điện Biên, gạo nàng thơm Chợ Đào Long An, bánh đậu xanh Hải Dương, chè Tân Cương Thái Nguyên, bún khô Đà Vị, bánh đa Đô Lương Nghệ An, chè Shan tuyết Hồng Thái Tuyên Quang, nho Ninh Thuận, bơ ĐắkLắk, xoài cát Cao Lãnh, hành tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang, chả ram tôm đất Bình Định, bò một nắng Phú Yên, bánh tráng Nhơn Hòa, lạp xưởng Cần Đước…
Hội chợ còn trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, phố nghề truyền thống: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng, sản phẩm từ Sen của Đồng Tháp, mỹ nghệ từ vỏ quế Trà Bồng, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, gốm sứ độc bản Bắc Giang, đúc đồng Đại Bái, sơn mài - khảm trai Chuôn Ngọ, trạm khắc gỗ Sơn Đồng, Tơ lụa Hà Đông, dệt thổ cẩm, gốm nung, thủ công mỹ nghệ Ninh Thuận… và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc đến từ các làng nghề trong cả nước.
Trong khuôn khổ Hội chợ, cũng sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động: Lễ khai mạc hội chợ và trao giải Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022; Hội thảo Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sản phẩm OCOP và làng nghề; Hội nghị tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, tổ chức đưa khoảng 1.000 nông dân, thợ thủ công, sinh viên các trường nông nghiệp thuộc các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng đến tham quan, học tập tại Hội chợ.
Ban Tổ chức trao giải “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022” cho các tác giả |
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tiến hành công bố và trao giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả đạt giải trong “Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022”. Đồng thời, phát động “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024” với tin tưởng và hy vọng đây sẽ tiếp tục là động lực giúp các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế phát huy khả năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
N.H
Quảng bá và kết nối thị trường sản phẩm làng nghề nhằm đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam |
Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch làng nghề |
CPTPP: Nâng cao phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ |