Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/11/2022
(PetroTimes) - OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu trong trung và dài hạn; Saudi Arabia có thể giảm giá bán dầu thô tại thị trường châu Á; Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày từ tháng 11… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 1/11/2022.
OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Ảnh minh họa: Businessdaily |
OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu trong trung và dài hạn
Trong báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2022 được công bố vào thứ Hai (31/10), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Tổng nhu cầu năm 2023 tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự đoán trong năm 2021.
OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn đến năm 2027 và cho biết con số này sẽ tăng gần 2 triệu thùng/ngày vào cuối giai đoạn này so với năm 2021. Đến năm 2030, OPEC nhận thấy nhu cầu thế giới sẽ đạt trung bình 108,3 triệu thùng/ngày và nâng con số này lên 109,8 triệu thùng/ngày trong năm 2045 từ 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Mặt khác, OPEC+ cũng đang cắt giảm nguồn cung để giữ giá. Nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế trong trung hạn, với sản lượng năm 2027 thấp hơn năm 2022 do nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC gia tăng. Tuy nhiên, OPEC vẫn lạc quan về triển vọng sau này của liên minh khi thị phần tăng lên. Nguồn cung dầu thô thắt chặt của Mỹ được cho là đạt đỉnh sau cuối thập niên 2020 thay vì vào khoảng năm 2030 như dự báo vào năm ngoái.
Saudi Arabia có thể giảm giá bán dầu thô tại thị trường châu Á
Theo các nguồn tin thương mại, Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu - có thể giảm giá hầu hết các loại dầu thô sang châu Á trong tháng 12/2022 do mức tiêu thụ nhiên liệu yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia cho biết có thể giảm giá bán chính thức (OSP) loại dầu thô Arab Light hàng đầu của họ khoảng 30 đến 40 xu Mỹ/thùng vào tháng 12/2022.
Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia, Amin Nasser, lưu ý rằng Saudi Aramco đang triển khai kế hoạch tăng công suất sản xuất từ 12 triệu thùng/ngày hiện nay lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, với nguồn kinh phí lên tới nhiều tỉ USD. Ông nói thêm Saudi Aramco cũng có kế hoạch duy trì các thị trường châu Á, bất chấp nhu cầu ngày gia tăng tại thị trường châu Âu.
Iran tiếp tục ký với Nga hợp đồng khí đốt khoảng 6,5 tỉ USD
Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kinh tế Đối ngoại Iran Medhi Safari ngày 31/10 cho biết Iran và Nga vừa ký các hợp đồng khí đốt trị giá khoảng 6,5 tỉ USD. Đây là một phần của bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng trị giá 40 tỉ USD được ký hồi tháng 7 giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn sản xuất khí đốt Gazprom của Nga.
Thỏa thuận trị giá 40 tỉ USD này sẽ bao gồm việc “ông lớn” năng lượng Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển 2 mỏ khí đốt Kish, North Pars và 6 mỏ dầu khác đồng thời tham gia các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Iran.
Iran sẽ sử dụng nguồn cung cấp 15 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga để củng cố mạng lưới cung cấp nội địa tại các khu vực đông dân cư vùng tây bắc, trong khi có thể xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên gia tăng sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Bộ dầu mỏ Iran cũng thông báo sẽ nhận 6 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga theo một thỏa thuận hoán đổi. Sau đó, khí đốt sẽ được xuất khẩu sang các nước khác từ miền nam Iran dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
OPEC+ khẳng định sẽ luôn đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu dầu mỏ
Tại một sự kiện đang diễn ra ở Abu Dhabi ngày 31/10, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei khẳng định nước này và các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) luôn đảm bảo thị trường dầu mỏ thế giới ở tình trạng cân bằng.
Cũng tại sự kiện này, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi, ông Sultan al-Jaber cho rằng việc ngừng đầu tư vào ngành sản xuất khí hydrocarbon do sự sụt giảm tự nhiên có thể khiến sản lượng dầu thô khai thác mỗi năm giảm 5 triệu thùng/ngày so với mức hiện tại. Theo ông, điều này tạo ra các cú sốc mà thế giới đã chứng kiến trong năm nay.
Giám đốc Sultan al-Jaber nêu rõ, điều các nước cần làm lúc này là tăng năng lượng có thể khai thác và giảm thiểu lượng khí thải ở mức tối đa. Ông cũng đề cập tới những khó khăn của ngành năng lượng toàn cầu hiện nay, đó là chuỗi cung ứng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bị đứt gãy và tình hình địa chính trị ngày nay phức tạp hơn.
Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày từ tháng 11
Báo Saudi Gazette ngày 31/10 đưa tin căn cứ theo quyết định của OPEC+, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày kể từ tháng 11. Đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2020, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Với việc cắt giảm sản lượng này, thị phần của Saudi Arabia và Nga trong sản xuất dầu mỏ sẽ đạt mức 10,478 triệu thùng/ngày.
Trước đó, OPEC+ đã thông báo quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11, như một phần của các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, ngăn chặn các điều kiện biến động và đối phó với tình hình bất ổn chưa từng có trên thị trường dầu mỏ.
Theo Saudi Gazette, Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác dầu trong 16 tháng liên tiếp, bắt đầu từ tháng 4/2021 khi sản lượng ở mức khoảng 8.134 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của nước này trong tháng 8/2022 đạt khoảng 11.051 triệu thùng/ngày, tăng 35,86% trong 16 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc Saudi Arabia đã nâng sản lượng dầu của mình lên khoảng 2,917 triệu thùng/ngày trong giai đoạn nêu trên.
Indonesia gia hạn hợp đồng xuất khẩu khí đốt sang Singapore
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) vừa quyết định gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt cho quốc gia láng giềng Singapore thêm 5 năm sau khi hết hạn vào năm 2023. Bộ trưởng ESDM Arifin Tasrif cho biết, sau khi xem xét cung cầu trong nước, chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Singapore đến năm 2028.
Ông Arifin nói: “Indonesia vẫn có đủ dự trữ khí đốt, vì vậy sẽ mở rộng xuất khẩu sang Singapore trong 5 năm tới”, đồng thời cho hay sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng gia hạn sẽ thấp hơn trước nhằm ưu tiên nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Điều tiết Dầu khí Thượng nguồn Indonesia (SKK Migas) Dwi Soetjipto giải thích rằng lượng khí đốt xuất khẩu giảm do nhu cầu từ ngành phân bón trong nước tăng lên. Ông Soetjipto ước tính rằng mức cắt giảm sẽ ở mức 30-40% so với hợp đồng trước đó và dự báo giá khí đốt sẽ tăng do nhu cầu cao. Chính phủ vẫn chưa ký gia hạn hợp đồng song dự kiến lễ ký sẽ diễn ra trong tháng 11.
Nga khẳng định trung tâm cung ứng khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng thiết lập
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/10 khẳng định rất khó để làm việc trực tiếp với các đối tác thương mại châu Âu và trung tâm cung ứng khí đốt tự nhiên sẽ được thiết lập nhanh chóng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng sẽ có nhiều khách hàng châu Âu mong muốn ký hợp đồng mua mặt hàng này.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng cho rằng: "Sản phẩm này đang có nhu cầu lớn trên thế giới. Đây là loại khí đốt sạch nhất đối với môi trường và là nguồn năng lượng sơ cấp lý tưởng cho giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng xanh. Tôi biết rằng có nhiều người tiêu dùng muốn mua khí đốt của Nga".
Trước đó, ngày 19/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí với đề xuất trước đó của người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc thiết lập trung tâm cung ứng khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hệ thống Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic bị hư hại hồi tháng 9.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/10/2022 |
T.H (t/h)