Tin Thị trường: LNG của Mỹ không thể thay thế hoàn toàn khí tự nhiên Nga
(PetroTimes) - Lượng LNG của Mỹ không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí tự nhiên từ Nga cho châu Âu; các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng cường tích trữ dầu thô...
LNG của Mỹ không thể thay thế khí tự nhiên Nga
Theo BloombergNEF, châu Âu không thể chỉ dựa vào nhập khẩu LNG của Mỹ để bù đắp cho nguồn cung khí đốt mà họ sẽ mất từ Nga khi bắt đầu quá trình tích trữ lại kho dự trữ sau khi kết thúc mùa đông năm nay.
Tính cho đến nay, LNG của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ở châu Âu, nơi đang chứng kiến tình trạng tranh giành nguồn cung khí đốt, và sẵn sàng chi trả cho những lô hàng giao ngay cao hơn hầu hết khu vực châu Á.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, Mỹ đang vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục đến châu Âu để giúp các đồng minh EU. Số liệu thống kê cho thấy, có tới gần 70% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ được chuyển đến châu Âu trong tháng 9.
Trên thực tế, sự sụt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt của Nga trong năm nay chỉ xảy ra vào tháng 6, có nghĩa là châu Âu vẫn có thời gian tích trữ một lượng khí đốt của Nga vào những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, vào mùa đông năm 2023, khoảng trống nguồn cung khí đốt Nga ở châu Âu sẽ lớn hơn nhiều.
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng cường tích trữ dầu thô
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô trước khi bước vào cuối năm 2022, vì nhận thấy xuất khẩu nhiên liệu cao hơn trong giai đoạn này.
Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc đã mua ít nhất 10 triệu thùng dầu thô trong tuần qua, chủ yếu từ Trung Đông, Tây Phi và Brazil, cho thấy tình hình nhu cầu đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Một trong những lý do chính cho sự lạc quan về nhu cầu này bắt nguồn từ sự thiếu hụt dầu diesel trên toàn cầu. Sự sụt giảm công suất lọc dầu toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ đã hạn chế nguồn cung nhiên liệu cần thiết cho các nền kinh tế.
Trung Quốc là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có công suất lọc dầu đủ lớn để thúc đẩy sản xuất dầu diesel, từ đó xoa dịu phần nào cuộc khủng hoảng này.
Thực tế cho thấy, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội khi lợi nhuận của họ tăng trở lại. Tuy nhiên, hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu ở Trung Quốc nói chung trong năm nay thấp hơn đáng kể so với năm ngoái, cho thấy nguồn cung dầu diesel của Trung Quốc có thể chỉ ảnh hưởng hạn chế đến thị trường dầu diesel.
Nỗi lo lạm phát nhiên liệu đối với các nền kinh tế mới nổi
Mỹ hiện đang phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao, bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm ở mức cao. Mặc dù giá xăng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 5 USD/gallon nhưng vẫn cao hơn 10,6% so với một năm trước; dầu diesel cao hơn 46,5% trong khi giá lương thực tăng 11,4% trong năm qua, là mức tăng hàng năm cao nhất trong 23 năm.
Các chuyên gia cho rằng lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh vào mùa hè và giá nhiên liệu sẽ giảm thêm 11% vào năm 2023 nhưng sẽ mất nhiều năm để giá giảm xuống từ mức cao mà nước Mỹ đã ghi nhận trong năm nay.
Trên thực tế, vấn đề này còn tồi tệ hơn nhiều ở các nền kinh tế đang phát triển. Theo báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị đồng tiền đang bị thu hẹp ở hầu hết các nước đang phát triển đang đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên theo những cách có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng mà nhiều nước đã phải đối mặt.
Theo WB, gần 60% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi nhập khẩu dầu đã chứng kiến sự gia tăng giá dầu trong nước kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, do đồng tiền mất giá.
Tin Thị trường: Tình trạng thiếu dầu diesel lan rộng khắp nước Mỹ | |
Tin Thị trường: Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Pháp giảm về 0 |
Bình An