Nga phá hủy kho dầu 100.000 tấn và cứ điểm chỉ huy của Ukraine
Các đợt tập kích bằng vũ khí chính xác của quân đội Nga đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho các mục tiêu quân sự của Ukraine.
Một kho chứa dầu lớn của Ukraine bị tên lửa Nga đánh trúng trong xung đột giữa Moscow và Kiev (Ảnh: Reuters). |
Trong một thông báo cập nhật tình hình chiến sự ngày 24/10, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong vòng 24 giờ qua, các cuộc tấn công hiệp đồng binh chủng với sự tham gia của máy bay chiến đấu, tên lửa và pháo binh Nga đã gây ra thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine.
"Các cuộc tấn công hiệp đồng của lực lượng hàng không chiến thuật, tên lửa và pháo binh đã san phẳng 4 sở chỉ huy của quân đội Ukraine tại các khu vực Kharkov, Kherson và Nikolaiev. 72 hỏa điểm pháo binh cùng vị trí tập trung quân tại hơn 174 địa điểm trên khắp Ukraine cũng đã bị đánh trúng. Tại khu định cư Dvurechnaya ở Kharkov, quân đội Nga đã phá hủy một kho đạn và vũ khí quy mô lớn của Ukraine", Tướng Konashenkov tiết lộ.
Cũng theo ông Konashenkov, trong ngày 23/10, một kho dầu lớn chứa hơn 100.000 tấn nhiên liệu máy bay của Không quân Ukraine đã bị quân đội Nga đánh trúng. Ngoài ra, một kho lưu trữ dầu diesel phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến của các khí tài mặt đất tại tỉnh Dnipro cũng đã bị phá hủy.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc đột kích vào các cứ điểm phòng ngự của Nga tại các khu vực Kharkov và Krasny Liman. Tuy nhiên, các cuộc đột kích này đã bị đẩy lùi. Nhiều phương tiện quân sự và binh sĩ Ukraine đã bị lực lượng phòng thủ Nga loại khỏi vòng chiến đấu.
Các máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga khai hỏa (Ảnh: Reuters). |
Lực lượng phòng không Nga cũng đã hoạt động hiệu quả trong ngày qua khi bảo vệ an toàn cho các binh sĩ Nga trước các cuộc tập kích hỏa lực của quân đội Ukraine.
"Trong vòng 24 giờ qua, các đơn vị phòng không Nga đã bắn hạ 3 máy bay không người lái tại các khu định cư Yagodnoye ở Kharkov, Shevchenko và Maliy Kermenchik thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Ngoài ra, 21 hỏa tiễn được phóng từ pháo phản lực HIMARS cũng đã bị đánh chặn", Trung tướng Konashenkov cho hay.
Ông Konashenkov cũng tuyên bố kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hơn 6.000 xe tăng và xe bọc thép của quân đội Ukraine đã bị các lực lượng Nga phá hủy.
"Kể từ khi chiến dịch quân sự diễn ra, 325 máy bay, 162 trực thăng, 2.326 máy bay không người lái, 383 hệ thống tên lửa đất đối không, 6.020 xe tăng và xe bọc thép, 874 bệ phóng hỏa tiễn, 3.521 lựu pháo và súng cối cùng 6.741 phương tiện quân sự của quân đội Ukraine đã bị phá hủy", Tướng Konashenkov nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine hiện chưa lên tiếng bình luận về những tuyên bố trên của Trung tướng Konashenkov.
CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine. Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực. Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass. Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào. Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông. Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam. Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine. Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị. Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. |
Theo Dân trí