Hà Lan phá bỏ "gông xiềng" về chính sách năng lượng
(PetroTimes) - Vào hôm 19/10, Bộ Môi trường và Năng lượng Hà Lan thông báo quốc gia này sẽ rút khỏi Hiến chương Năng lượng. Theo họ, Hiệp ước 30 năm tuổi này cản trở tham vọng khí hậu của Hà Lan.
Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten |
Vào tháng 6/2022, Liên minh châu Âu (EU) và Vương Quốc Anh thông báo sẽ thực hiện cải cách Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT). Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa hài lòng với quyết định này, vì vậy họ tiếp tục yêu cầu châu Âu rút khỏi Hiệp ước.
Theo ông Rob Jetten - Bộ trưởng Bộ Môi trường và Năng lượng Hà Lan: “Ngay cả khi đã được cải cách, Hiệp ước này vẫn sẽ không thể dung hòa với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Vì vậy, Hà Lan sẽ rời khỏi ECT. Tốt nhất là cả EU nên làm như vậy”.
Hà Lan vẫn chưa xác định ngày chính thức rời Hiến chương.
Được thành lập vào năm 1994 – giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh, Hiệp ước Hiến Chương Năng lượng đã có sự tham gia của EU và 52 quốc gia (kể cả các nước châu Âu ngoài EU, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc,…), với mục đích đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.
Theo đó, Hiệp ước sẽ thành lập một tòa án đứng ra làm trọng tài, nhằm giải quyết yêu cầu bồi thường cho các công ty trong trường hợp một quốc gia đưa quyết định ảnh hưởng đến lợi ích đầu tư và lợi nhuận của họ, kể cả quyết định nhằm tuân thủ chính sách bảo vệ khí hậu.
Ví dụ: Sau khi Hà Lan thông qua luật cấm sử dụng than từ nay cho đến năm 2030, Công ty năng lượng RWE (Đức) đã yêu cầu thành phố The Hague bồi thường 1,4 tỷ euro nhằm bù đắp thiệt hại phát sinh từ việc ngừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than của RWE.
Khi tần suất kiện tụng đòi bồi thường gia tăng, các quốc gia châu Âu đã cố gắng đổi mới văn bản từ năm 2020. Sau một quá trình đàm phán khó khăn, vào tháng 6 tại Bỉ, các quốc gia trên đã đạt được thỏa thuận chung. Đợt bỏ phiếu thông qua chính thức sẽ diễn ra vào tháng 11.
EU đe dọa rút khỏi Hiến chương Năng lượng |
Ngọc Duyên