Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/10/2022
(PetroTimes) - Trung Quốc dừng bán khí đốt sang châu Âu; Mỹ có thể xuất thêm 10-15 triệu thùng dầu để ổn định thị trường trong nước; Cộng hòa Séc và Đức tiến tới một thỏa thuận về chia sẻ khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 18/10/2022.
Trung Quốc đã yêu cầu các tập đoàn giữ lại các lô hàng LNG để sử dụng trong nước vào mùa đông này. Ảnh minh họa: Reuters |
Trung Quốc dừng bán khí đốt sang châu Âu
Hôm 17/10, Bloomberg cho biết Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc và Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc giữ lại các lô hàng LNG để sử dụng trong nước vào mùa đông này. Quyết định trên có thể được đưa ra sau dự báo nguồn cung khí đốt trong nước có khả năng thiếu hụt ở mức độ nhỏ trong mùa đông này.
Trong những tháng gần đây, các nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã bán lượng tồn kho của họ sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhu cầu cầu trong nước suy yếu do tác động của các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 trên toàn thành phố và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng lớn để mua LNG dài hạn từ các nhà xuất khẩu như Mỹ với giá thấp, vì vậy, các nhà nhập khẩu của nước này đã bán lại nguồn cung đó cho khách hàng nước ngoài trên thị trường giao ngay để kiếm lời lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ cho mỗi lô LNG. Nguồn cung LNG của Trung Quốc đã phần nào hỗ trợ cho nỗ lực lấp đầy các kho trữ khí đốt cho mùa đông ở châu Âu.
Mỹ có thể xuất thêm 10-15 triệu thùng dầu để ổn định thị trường trong nước
Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ có kế hoạch xuất thêm 10-15 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này nhằm cân bằng thị trường và ổn định giá xăng trong nước.
Mặt khác, Nhà Trắng cũng có kế hoạch bổ sung kho dự trữ nêu trên. Các nguồn thạo tin cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đàm phán với các công ty năng lượng bổ sung cho SPR đến năm 2025, trong bối cảnh Washington đang xem xét kế hoạch sử dụng SPR để "hạ nhiệt" giá dầu đối với người tiêu dùng và hỗ trợ nhu cầu dài hạn của các nhà sản xuất.
Những cuộc thảo luận nói trên liên quan đến việc kết hợp các đợt xuất dầu mới từ SPR và thiết lập lịch trình mua dầu bổ sung, cho thấy mong muốn của Nhà Trắng trong nỗ lực ứng phó với giá dầu tăng cao mà không làm ảnh hưởng tới các nhà máy khai thác hoặc nhà máy lọc dầu trong nước.
Thủ tướng Đức yêu cầu duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân
Ngày 17/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu tạo điều kiện để 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại nước này tiếp tục hoạt động đến giữa tháng 4/2023. Trước đó, Đức có kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine và giá năng lượng tăng cao, Berlin đã phải cân nhắc lại kế hoạch này.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nội dung lá thư của ông Scholz gửi tới các bộ trưởng trong Nội các nêu rõ chính phủ sẽ sớm tạo điều kiện pháp lý để cho phép các nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland có thể duy trì hoạt động qua ngày 31/12/2022 đến 15/4/2023.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, từ đảng Xanh, đề xuất chỉ duy trì hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy hạt nhân kể trên tới mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền, đề xuất duy trì hoạt động của cả 3 nhà máy. Các cuộc đàm phán sau đó trong nội bộ liên minh cầm quyền đã không thể mang lại tiếng nói chung.
Năng lượng tái tạo của EU tăng trưởng ngoạn mục
CNN dẫn một báo cáo mới cho biết năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã chiếm tới 24% tổng lượng điện của Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đây là một con số kỷ lục và cũng là một nỗ lực để giúp khối này chống lại lạm phát, CNN nhận định.
Sự tăng trưởng công suất điện tái tạo đã giúp khối 27 quốc gia này tiết kiệm được 99 tỉ euro (97 tỉ USD) tiền nhập khẩu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 vừa qua, vượt hơn hẳn con số tiết kiệm chỉ hơn 11 tỉ euro (10,8 tỉ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo được hai tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G và Ember công bố mới đây.
Báo cáo của hai đơn vị trên cũng cho thấy 19/27 quốc gia thành viên của EU đã đạt được sản lượng điện gió và năng lượng mặt trời kỷ lục kể từ tháng 3 năm nay. Sự gia tăng hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo diễn ra trong bối cảnh châu Âu cố gắng tìm cách không phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi Moscow giảm, thậm chí cắt nguồn cung cấp năng lượng cho EU.
Italy xem xét kế hoạch tiết kiệm năng lượng khẩn cấp
Bộ Chuyển đổi Sinh thái Italy đang thảo luận và tham khảo ý kiến của các đại diện trong ngành về các lựa chọn khác nhau trong trường hợp nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm. Cơ quan này dự đoán 2 kịch bản với sự cố ngừng hoạt động của đường ống vào đầu tháng 11 hoặc tháng 1/2023.
Trong trường hợp đầu tiên, sẽ thâm hụt 1,15 tỉ mét khối khí. Để bù đắp, buộc phải giảm tiêu thụ trong vòng 31 ngày từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023.
Trước đó, tờ Il Sole 24 Ore đưa tin, khối lượng khí đốt trong kho chứa dưới lòng đất chỉ có thể đáp ứng 1/3 nhu cầu mùa đông của Italy. Hiện tại, kho xăng của Italy đã đầy 93%. Trong khi đó, ngày 15/10, Davide Tabarelli, Chủ tịch công ty phân tích Nomisma Energia của Italy cho biết, hóa đơn tiền điện ở Italy đã tăng gần gấp đôi.
Cộng hòa Séc và Đức tiến tới một thỏa thuận về chia sẻ khí đốt
Ngày 17/10, tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tại Praha, trong bối cảnh các nguồn cung cấp khí đốt của Nga giảm, Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela cho biết, Cộng hòa Séc và Đức đang chuẩn bị một thỏa thuận chung về việc chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.
Theo ông Jozef Sikela khẳng định, đây là tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết khủng hoảng năng lượng hiện nay. Các hiệp ước song phương cũng là một phần trong kế hoạch được khuyến cáo từ nhiều tháng trước của EU, để đối phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào liên quan tới việc thiếu hụt năng lượng và cùng hỗ trợ cung cấp khí đốt, giữa các quốc gia trong liên minh.
Bộ trưởng Sikela khẳng định, hai quốc gia đã xác định các điều kiện để bắt đầu chia sẻ khí đốt cũng như khoản tài chính mà Cộng hòa Séc sẽ trả cho Đức, khi thực hiện cơ chế này. Lãnh đạo hai quốc gia cũng thường xuyên liên lạc, chia sẻ quan điểm tương đồng về cách xử lý trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị ngắt.
Ai Cập thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liban
Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản của Ai Cập, Tarek El-Molla, ngày 17/10 khẳng định nước này cam kết và sẵn sàng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liban, ngay sau khi các thủ tục liên quan đến việc bắt đầu tiếp nhận khí đốt của Ai Cập trên lãnh thổ Liban hoàn tất.
Vào tháng 6 vừa qua, Ai Cập, Liban và Syria đã ký một thỏa thuận ba bên nhằm vận chuyển 650 triệu mét khối khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận này cho phép việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Ai Cập đến Liban, thông qua Đường ống Khí đốt Arab (AGP) đi qua lãnh thổ Syria.
Ai Cập, Liban và Syria cũng tìm cách đề nghị sự chấp thuận của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tài trợ cho hoạt động xuất khẩu khí đốt từ Ai Cập sang Liban qua Syria, đồng thời cũng loại Ai Cập khỏi các lệnh trừng phạt áp dụng đối với việc vận chuyển hàng hóa qua Syria theo “Đạo luật Caesar” mà Mỹ áp đặt đối với Syria. WB cũng đã cam kết tài trợ cho thỏa thuận này với điều kiện chính phủ Liban thực hiện những cải cách cần thiết trong lĩnh vực điện - ngành hàng đang gánh hàng chục tỉ USD nợ công.
Xuất khẩu năng lượng của Lào tăng trưởng mạnh
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định nền kinh tế Lào sẽ dần phục hồi trong năm 2023 nhờ động lực từ các biện pháp giúp tăng đầu tư mới và nâng cao sản lượng năng lượng tái tạo, khai thác mỏ.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022 cập nhật của ADB, xuất khẩu năng lượng của Lào vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với 7 dự án thủy điện dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022, tạo thêm 4,1 tỉ kilowatt giờ cho xuất khẩu điện của Lào.
Báo cáo cũng cho biết các bên cho vay đang chuẩn bị cấp tài chính cho dự án điện gió 600 megawatt. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là dự án năng lượng gió lớn nhất Đông Nam Á, với mục tiêu xuất khẩu tất cả nguồn điện sản xuất được.
Hàng chục tàu chở khí LNG mắc kẹt ngoài khơi
Theo Reuters, hàng chục tàu chở khí đốt hóa lỏng (LNG) đang phải thả neo ngoài khơi bờ biển của Tây Ban Nha do không tìm được chỗ đỗ để dỡ hàng. Các công ty năng lượng cho biết sẽ phải tạm dừng quá trình vận chuyển khí đốt để đối phó với tình trạng tắc nghẽn trên.
Theo các nhà phân tích, tính đến ngày 17/10, hơn 35 tàu chờ LNG đang phải thả neo ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha và khu vực Địa Trung Hải. Trong đó, tới 8 tàu chở LNG đang đậu ngoài khơi vịnh Cadiz do không thể dỡ hàng hóa. Tình trạng trên xuất phát từ việc các nhà máy xử lý LNG của châu Âu, chịu trách nhiệm chuyển đổi LNG từ dạng lỏng về lại dạng khí, đã hoạt động hết công suất.
Theo một nguồn tin trong ngành năng lượng, Tây Ban Nha hiện chỉ có 6 chỗ đỗ tại các nhà máy xử lý khí đốt, đáp ứng được 1/5 số tàu chở LNG đang chờ dỡ hàng. Theo Reuters, nếu tình trạng tắc nghẽn không sớm được giải quyết, các tàu chở khí LNG đang phải chờ ngoài khơi bờ biển châu Âu sẽ buộc phải dỡ hàng tại các khu vực khác.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/10/2022 |
T.H (t/h)