Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/10: EU nhóm họp lựa chọn giới hạn giá khí đốt
(PetroTimes) - PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Hôm Chủ nhật (16/10), Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1 cho biết, nguồn cung cấp xăng dầu tại các trạm dịch vụ của Pháp đã giảm thêm vào cuối tuần do cuộc đình công kéo dài tại Công ty dầu khí TotalEnergies, khoảng 30% các nhà ga gặp vấn đề về nguồn cung.
Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng do lạm phát cao, với hàng nghìn người biểu tình chống lại giá cả tăng cao và một số công đoàn kêu gọi tổng đình công.
2. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần này sẽ tìm hiểu một loạt các lựa chọn để giới hạn giá khí đốt, Reuters đưa tin.
27 quốc gia của EU đã bế tắc trong nhiều tuần về việc làm thế nào để giới hạn giá khí đốt như một phần của nỗ lực kiềm chế giá năng lượng tăng cao, khi châu Âu đang bước vào mùa đông khan hiếm khí đốt của Nga, khủng hoảng giá cả sinh hoạt và suy thoái có thể xảy ra.
3. Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller hôm Chủ nhật (16/10) cho biết kế hoạch giới hạn giá xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ khiến nguồn cung bị ngừng lại, lời đe dọa tương tự như từ Tổng thống Vladimir Putin.
Xung đột ở Ukraine đã khiến các khách hàng của Liên minh châu Âu giảm mua năng lượng của Nga trong khi G7 và EU đang cố gắng áp đặt giới hạn giá đối với dầu và khí đốt của Nga.
"Quyết định một chiều như vậy là vi phạm các hợp đồng, dẫn đến việc ngừng cung cấp", ông Miller nói trong các bình luận được phát trên truyền hình nhà nước Nga.
4. Ấn Độ sẽ tự sản xuất được 25% nhu cầu dầu thô của mình vào năm 2030, hiện quốc gia này tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng/ngày cho nhu cầu trong nước và đang tăng 3%, cao hơn thế giới khoảng 1%.
Ấn Độ cũng đang giảm 2,7 triệu tấn khí thải CO2. Theo đánh giá của IEA, Ấn Độ sẽ chiếm 25% tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong vòng hai thập kỷ tới.
5. Tuần trước, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chính thức thông qua mức Net-Zero sẽ thúc đẩy nhiều chính phủ hành động hơn nữa về nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và các biện pháp cần thiết khác để khử carbon trong du lịch hàng không.
ICAO cuối cùng đã đồng ý mục tiêu dài hạn mới của tổ chức (LTAG) là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. LTAG thay thế các mục tiêu trước đó của ICAO về tăng trưởng trung tính carbon từ năm 2020 và cắt giảm 50% lượng khí thải carbon hàng không so với mức năm 2005 vào năm 2050. Quyết định này phù hợp với các cam kết hiện nay của ngành hàng không.
Elena