Đề xuất tiếp tục triển khai 2.300 MW điện mặt trời
(PetroTimes) - Tại Tờ trình số 6328 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW.
Bộ Công Thương đề xuất về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (ảnh minh họa) |
Bộ Công Thương thông tin, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/8/2022, Tổng thanh tra Chính phủ nêu ý kiến chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII những dự án đã hoàn thành chưa xác định giá bán điện, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang triển khai thi công (tổng công suất khoảng 636 MW tuy nhiên chưa có danh sách cụ thể).
Bộ Công Thương thấy rằng, nhiều dự án điện mặt trời (trừ các dự án không thực hiện tiếp) đều đã triển khai trên thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã có phát sinh chi phí.
Do đó, để tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện, đền bù cho các nhà đầu tư, gây lãng phí tài sản xã hội, tránh xảy ra mất trật tự an toàn xã hội, xuất hiện các điểm nóng tại khu vực đã giao đất dự án, Bộ Công Thương đề xuất về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (giảm so với con số đã báo cáo do một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp).
Tuy nhiên, điều kiện được tiếp tục triển khai là các dự án đó phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... Nếu phát hiện dự án nào có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, các dự án này cũng chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia (Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán, kiểm tra với từng dự án).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị cung cấp thông tin về việc chấp hành pháp luật và vi phạm (nếu có) của các dự án điện mặt trời đã có trong quy hoạch được duyệt và xin ý kiến về đề xuất nêu trên.
Cũng tại tờ trình này, Bộ Công Thương đề xuất dừng 5 dự án nhiệt điện than đang chuẩn bị đầu tư, nhưng khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, với tổng công suất 6.800MW, bao gồm: Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
Dự thảo Quy hoạch điện VIII định hướng quá trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí tại Việt Nam đến năm 2050. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đốt kèm nhiên liệu sinh khối, hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đất kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần lên 100%. Định hướng tới năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong hệ thống điện.
Các nhà máy điện khí dự kiến đốt kèm hydro từ sau năm 2030, bắt đầu từ tỷ lệ 20%, tăng dần lên 100%. Trong tương lai, nếu công nghệ chín muồi, giá thành hydro giảm sẽ xây dựng các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydro. Định hướng đến năm 2050, phần lớn nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro.
Theo Quy hoạch điện VIII, ước tính nhu cầu hydro để thay thế khí và sản xuất amoniac thay thế than khoảng 40 triệu tấn vào năm 2050; trong đó dự kiến 33 triệu tấn hydro xanh được sản xuất từ các nguồn điện gió và điện mặt trời.
Quy hoạch điện VIII đã xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.
Xử lý dứt điểm các kiến nghị của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh (Ninh Thuận) |
Điện tái tạo càng nhiều càng tốt nhưng giá thế nào để cho hợp lý? |
P.V