Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, cơ hội cho gạo Việt?
(PetroTimes) - Các thương nhân ngành lúa gạo nhận định rằng, sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.
Thị trường lúa gạo toàn cầu sẽ có nhiều biến động trong tuần tới |
Động thái bất ngờ của Ấn Độ
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, có hiệu lực từ ngày 9/9. Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện như: Thứ nhất, hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này. Thứ hai, hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ. Thứ 3, lô hàng đã được chuyển cho hải quan trước khi có thông báo và đã được hải quan đăng ký trên hệ thống.
Bên cạnh việc cấm xuất khẩu gạo tấm, chính phủ nước này còn áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090).
Động thái bất ngờ của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực tăng nguồn cung và làm dịu giá gạo nội địa sau khi lượng mưa dưới mức trung bình làm hạn chế việc trồng trọt.
Cơ hội của Việt Nam
Chính sách mới của Ấn Độ gây ra một cú sốc với ngành lương thực thế giới. Bởi lẽ, đất nước tỷ dân này chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, xuất khẩu tới hơn 150 quốc gia, do vậy bất kỳ sự giảm sút nào trong hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu, vốn đang tăng do hạn hán, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine.
Trong báo cáo tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ trước.
Dự báo này cùng với động thái bất ngờ của nhà xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ sở để nhận định xu hướng gạo Việt có thêm cơ hội xuất khẩu và mặt bằng giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), nhận định chính sách mới của Ấn Độ có thể khiến giá gạo thế giới tăng khoảng 20%, tương đương với mức thuế xuất khẩu gạo mà nước này áp dụng.
"Động thái này khác với việc nguồn cung dồi dào nhưng vận chuyển hàng hóa chậm lại do dịch Covid-19 trước đây. Trước diễn biến mới, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới" - ông Hòa phân tích.
"Sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chi phối rất lớn đến thị trường toàn cầu. Từ trước đến nay, lượng gạo Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới lớn hơn cả những nước đang xuất khẩu nhiều như Việt Nam, Thái Lan cộng lại. Giờ Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm, chắc chắn thị trường gạo sẽ bị tác động, các đối tác sẽ phải tìm kiếm các nguồn hàng khác để bù đắp lượng thiếu hụt khá lớn từ gạo Ấn Độ" - ông Nguyễn Quang Hòa phân tích thêm.
Cơ hội xen lẫn thách thức
Thông tin từ thị trường gạo Ấn Độ là tin vui đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong bối cảnh giá xuất khẩu đang giảm nhưng cũng đi kèm thách thức đối với ngành thức ăn chăn nuôi.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ, đặc biệt là tấm và một số dòng gạo giá rẻ để phục vụ cho chế biến và ngành thức ăn chăn nuôi.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Do vậy, để hạn chế rủi ro, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị những doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá trị 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,3 tỉ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. |
P.V (t/h)