Quy hoạch phát triển lưới điện trong chiến lược phát triển năng lượng
(PetroTimes) - Hệ thống lưới điện truyền tải được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có dự phòng, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao. Khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác. Đó là những nội dùng quan trọng về quy hoạch phát triển lưới điện trong Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng) của Bộ Công Thương.
Ảnh minh hoạ |
Theo Bộ Công Thương, Hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đang vận hành với các cấp điện áp cao áp 500kV, 220 kV, 110kV, các cấp điện áp trung áp từ 35kV tới 6kV và cấp điện áp hạ áp 0,4kV. Lưới điện 220kV, 110kV và lưới trung thế đã phát triển vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố, góp phần tăng tỷ lệ điện khí hóa nông thôn. Tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ 100% phường, xã cả nước có điện lướivà 99,54% số hộ của cả nước có điện lưới, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt mức 99,3%.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng, hệ thống lưới điện truyền tải được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có dự phòng, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao. Khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.
Lưới điện truyền tải 500 kV hoặc cao hơn được xây dựng để truyền tải điện năng từ các trung tâm điện lực lớn về trung tâm phụ tải, liên kết các hệ thống điện miền và khu vực; Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong đầu tư phát triển lưới điện để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Từng bước hình thành lưới điện truyền tải thông minh.
Tiếp tục xây dựng và nâng cấp lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV, đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1, lưới truyền tải tại một số thành phố lớn, mật độ phụ tải cao (như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đáp ứng tiêu chí N-2; lưới điện truyền tải giải tỏa công suất các nguồn điện truyền thống đáp ứng tiêu chí N-1.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống truyền tải điện xoay chiều và một chiều với điện áp cao hơn 500 kV, hệ thống Back-to-Back, ứng dụng thiết bị truyền tải điện linh hoạt (FACTS) vào thời điểm phù hợp.
Trong việc thực hiện liên kết lưới điện khu vực: Cần tiếp tục nghiên cứu mô hình hệ thống điện liên kết với các nước trong khu vực, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng ở các cấp điện áp 500 kV và 220 kV (công nghệ xoay chiều, một chiều, Back-To-Back) trong tình hình mới, phù hợp với hạ tầng cung cấp điện của Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo và tận dụng các lợi ích của việc liên kết lưới điện.
Thực hiện liên kết lưới điện với Lào bằng các tuyến đường dây 500 kV, 220 kV để nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện tại Lào theo Biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ giai đoạn tới năm 2030.
Duy trì liên kết lưới điện với Campuchia qua tuyến đường dây 220 kV hiện có; nghiên cứu khả năng tăng cường liên kết lưới điện giữa Việt Nam với Campuchia thông qua các chương trình hợp tác song phương và đa phương.
Theo đó, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện đối với ngành Điện là cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện. Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ; tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong ngành Điện nhằm phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị - ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.
N.H