Than toàn cầu: Hồi sinh hay suy tàn?
(PetroTimes) - Năm 2022, mức tiêu thụ than toàn cầu trở lại mức kỷ lục đã đạt được gần một thập niên trước, theo báo cáo của IEA. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường năng lượng hỗn loạn, triển vọng về nhu cầu than là không chắc chắn.
Nhập khẩu than nhiệt từ 27 thành viên EU cộng với Anh sẽ cao hơn 43% vào năm sau so với năm nay. Ảnh minh họa: Gcaptain |
Thiết lập đỉnh mới
Theo một báo cáo của IEA được công bố ngày 28/7/2022, dựa trên xu hướng kinh tế và thị trường hiện tại, tiêu thụ than toàn cầu được dự báo sẽ tăng 0,7% vào năm 2022 lên 8 tỉ tấn, với giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến trong nửa cuối năm.
Tổng sản lượng toàn cầu này sẽ phù hợp với kỷ lục hàng năm được thiết lập vào năm 2013 và nhu cầu than có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm tới lên mức cao mới mọi thời đại.
Nhu cầu than toàn cầu đang được thúc đẩy trong năm nay do giá khí đốt tự nhiên tăng, điều này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi khí đốt sang than ở nhiều quốc gia, cũng như tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ. Những yếu tố đó đang được bù đắp một phần bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và do một số nhà sản xuất than lớn không có khả năng tăng sản lượng.
Trong đó, nhu cầu về than ở Ấn Độ đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 và dự kiến sẽ tăng 7% trong cả năm khi nền kinh tế của đất nước phát triển và việc sử dụng điện mở rộng. Tại Trung Quốc, nhu cầu than ước tính đã giảm 3% trong nửa đầu năm 2022 do biện pháp phong tỏa phòng chống Covid được gia hạn ở một số thành phố đã làm chậm tăng trưởng kinh tế, nhưng mức tăng dự kiến trong nửa cuối năm có thể sẽ mang lại toàn bộ nhu cầu tiêu thụ than trong năm trở lại mức tương tự như năm ngoái. Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhau tiêu thụ gấp đôi lượng than so với phần còn lại của thế giới cộng lại, riêng Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa nhu cầu của thế giới.
Tiêu thụ than ở Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng 7% vào năm 2022 sau mức tăng 14% của năm ngoái. Điều này đang được thúc đẩy bởi nhu cầu từ ngành điện, nơi than đang ngày càng được sử dụng để thay thế khí đốt, vốn đang thiếu hụt và đã có mức giá tăng đột biến sau xung đột Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, một số nước EU đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than dự kiến đóng cửa, mở cửa trở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn giờ hoạt động để giảm tiêu thụ khí đốt.
Song, báo cáo của IEA cũng lưu ý rằng sự không chắc chắn là đáng kể đối với triển vọng than do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường năng lượng hỗn loạn.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với than ở nước ngoài sẽ giảm ít nhất 26% từ năm 2019 đến năm 2025. Ảnh minh họa: AAP |
Hồi sinh hay suy tàn?
Sự xáo trộn đáng kể trên thị trường than trong những tháng gần đây có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều quốc gia nơi than vẫn là nhiên liệu chính để phát điện và một loạt các quy trình công nghiệp. Tuy nhiên, việc thế giới tiếp tục đốt một lượng lớn than đang làm gia tăng mối lo ngại về khí hậu, vì than là nguồn phát thải CO2 đơn lẻ lớn nhất liên quan đến năng lượng.
Theo IEA, sự gia tăng nhu cầu than tỉ lệ thuận với sự gia tăng phát thải. Nhu cầu than tăng cao chiếm phần đáng kể vào sự gia tăng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay trong lượng phát thải CO2, đã đưa chúng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Mặc dù, châu Âu chỉ chiếm khoảng 5% lượng than tiêu thụ toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết nhập khẩu than nhiệt từ 27 thành viên EU cộng với Anh sẽ cao hơn 43% vào năm sau so với năm nay và điều này sẽ dẫn đến việc thải thêm 10 triệu tấn CO2 vào khí quyển.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đã và đang trong xu hướng cắt giảm điện than để giảm phát thải. Thêm vào đó, sự biến đổi của cục diện năng lượng toàn cầu sau xung đột Nga - Ukraine, giá cả tăng cao, sự thiếu hụt năng lượng đang thúc đẩy nhiều quốc gia nỗ lực phát triển năng lượng năng tạo.
Báo cáo mới đây của Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng độc lập (IEEFA) ở Australia - quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới đã cho thấy các đối tác thương mại chủ chốt của nước này đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và giá cả cao.
Theo kế hoạch điện năng đến năm 2030, Nhật Bản - khách hàng mua than nhiệt lớn nhất của Australia - sẽ tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và cắt giảm lượng điện sản xuất từ than và khí đốt. Quốc gia này cũng đang tái cam kết với năng lượng hạt nhân và mở rộng quy mô điện gió ngoài khơi, pin, hydro và năng lượng mặt trời.
Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Australia, và Ấn Độ dự kiến sẽ thu hẹp lại chỉ đẩy mạnh khai thác nguồn than trong nước để sử dụng vào mục đích phát điện.
Các quốc gia như Việt Nam, Pakistan, Bangladesh và Philippines, các thị trường tiềm năng khác của Australia cũng đều đã đề ra mục tiêu cắt giảm đáng kể lượng than nhập khẩu trong quy hoạch điện dài hạn.
Chỉ có duy nhất châu Âu đang thay thế than của Nga bằng nguồn cung cấp từ Australia, Colombia, Mỹ và Nam Phi, dự kiến sẽ tăng nhập khẩu than và sản xuất điện từ than trong thời gian tới.
Tuy vậy, báo cáo của IEEFA nhận định, điều này sẽ không đánh dấu sự khởi đầu của một “thời kỳ hồi sinh" cho nhiệt điện than ở châu Âu. Lo ngại gia tăng về an ninh năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao kỷ lục sẽ chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu sang các nguồn năng lượng khác.
Andrew Gorringe - đồng tác giả báo cáo của IEEFA cho biết thêm, trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng này, giá than tăng cao thậm chí sẽ còn làm giảm nhu cầu than dài hạn nhanh hơn.
Tất cả những lý do trên sẽ khiến nhu cầu than toàn cầu sụt giảm mạnh và đẩy than vào “thời kỳ suy tàn”.
Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo |
Nga cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng cho phương Tây |
Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới |
Thanh Sơn