Gần 23 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới 2022-2023
(PetroTimes) - Hôm nay (5/9), gần 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ tham dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, với tâm trạng hân hoan, phấn khởi và tràn đầy niềm tin.
Năm học 2022-2023 toàn ngành có tổng số gần 23 triệu học sinh. Đây là năm học được xác định với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Học sinh đầu cấp trường Tiểu học Nguyễn Du (Thường Tín, Hà Nội) ngày đầu tiên đến trường |
Năm học 2022-2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.
Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm học 2022-2023 (Trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện Thường Tín, Hà Nội) |
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học đối với lớp 3.
Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngành giáo dục cũng chú trọng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu như năm học 2021-2022 là một năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến tất cả các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Đồng thời, Bộ trưởng chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu, cùng nhau đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.
N.H