Sợ nhất “nghị quyết không làm”
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Xem ra trong thực tiễn, không ít nghị quyết vẫn là “nghị quyết không làm”. Kể ra thì cũng có kiểm điểm, rút kinh nghiệm này nọ, thế nhưng không có ai bị cách chức, bị kỷ luật vì không thực hiện nghị quyết.
Việc ra nghị quyết thường kỳ hay chính thức sau các cuộc họp đã trở thành quy định thành văn hoặc bất thành văn. Thế nhưng họp hành dài dòng “rằng thì là mà” mệt lắm. Thấy báo đăng có nơi người ta họp chi bộ trực tuyến để bàn về sản xuất kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm lắm. Anh em ở xa cứ mở máy ra mà họp khỏi phải về cơ quan cho tốn kém. Lại có nơi họp chi bộ online qua thư điện tử. Nghe mà… thèm vì chi bộ tôi đang sinh hoạt họp hành mất thì giờ lắm. Chi bộ có 50 người thì 48 người là cán bộ hưu trí, chủ yếu là trông cháu, giữ nhà, cố gắng dự họp cho khỏi quên tư cách đảng viên. Hàng tháng cứ ngày mùng 3 là họp. Sau khi đọc nghị quyết của Đảng ủy phường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và công tác Đảng trong tháng là đến nghị quyết của chi bộ. Cả hai văn bản đều nhang nhác như nhau, khác chăng là mấy con số và cái của cấp dưới ngắn hơn của cấp trên. Đến phần góp ý kiến thì đều nhất trí, không ai có ý kiến khác. Tháng sau lại đọc và lại nhất trí.
Tôi không biết các nơi đổi mới sinh hoạt chi bộ ra sao, ban hành nghị quyết thế nào, nhưng nghe ông Nguyễn Bá Thanh. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói rằng: “Kỳ họp nào cũng có nghị quyết. Hết Nghị quyết 03 rồi đến Nghị quyết 04… Nhưng tôi sợ nhất là nghị quyết không làm!”. Thì ra ở cấp tỉnh, thành phố như nơi ông Thanh lãnh đạo vẫn có nghị quyết không được thực hiện đến nơi đến chốn, thậm chí không làm khiến người đứng đầu Đảng bộ phải lên tiếng.
Chẳng hạn, ông Thanh cho biết, Đà Nẵng có nhiều nghị quyết về bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, “cứ mỗi sáng, cầm tờ báo lên đọc tôi lại cảm thấy đau nhói vì ở đâu đó lại xảy ra tình trạng thanh thiếu niên cướp của, giết người. Ở Đà Nẵng không “nóng”, nhưng tình trạng trên vẫn có và đang tiềm ẩn nguy cơ. Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với thanh thiếu niên hư. Trung bình cứ 10 em thì có 5 em tiến bộ. Số còn lại thì không chịu “tiến” mà đang muốn vào nhà đá. Là con cháu mình cả nên xót lắm! Nhưng biết làm thế nào được. Động viên không được thì mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra để đón mấy ông cụ non ấy vào ở cho xã hội được yên”.
Ông Thanh phê phán, phường nào cũng có dân quân tự vệ, thôn trưởng, thôn phó… Mỗi tổ có đến 10, thậm chí 15 ông, cứ ban ngày thì ra ngồi ì tại trụ sở. Ban đêm, tội phạm hoạt động thì không thấy mấy ông an ninh hay dân quân đâu. Trong khi đó, tại Đà Nẵng có 2 tổ tự quản rất điển hình là tổ xe thồ tự quản ở Hòa Cầm và tổ nữ dân quân tự vệ ở quận Ngũ Hành Sơn… tay không bắt cướp thì chẳng thấy UBND thành phố khen thưởng hay động viên. Họ nghèo họ không có lương bổng gì mà tự nguyện ra bảo vệ an ninh thôn xóm như vậy thì không khen. “Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Bận đến mấy thì sắp tới tôi cũng phải ngồi với họ, động viên họ”…
Liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Thanh nhận xét ở Hội đồng Nhân sân như sau: “Thành phố Đà Nẵng là thành phố môi trường kiểu chi mà đọc báo thấy chỗ nọ, chỗ kia vẫn còn ô nhiễm. Còn mấy ông quản lý thì cứ thao thao nói ô nhiễm chưa đến mức quan trọng. Không thối, không ô nhiễm! Sao mấy ông không đem vợ, con xuống khu Âu thuyền Thọ Quang, Khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh ở thử vài ngày? Muốn xử lý ô nhiễm thì phải cởi giày ra, lội xuống hiện trường để tay sờ, mũi ngửi chứ đừng ngồi trong phòng lạnh mà chỉ chỏ. Người dân Đà Nẵng đừng bắt chước ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Trong quá trình giải tỏa, đền bù, nếu ai chưa thấy thoải mái thì đến gặp tôi. Tôi sẽ giải quyết chứ đừng có dại mà hành động như ông Vươn là phạm pháp bị bỏ tù đấy”.
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, ông Thanh yêu cầu lãnh đạo, công chức Đà Nẵng tập trung cao độ. Không được đi học trong giờ hành chính. Học thì tốt đấy, nhưng học phải làm chứ đừng có suy nghĩ học để thăng quan tiến chức. “Nếu tôi phát hiện ai bỏ bê công việc để đi học thì tôi sẽ cho nghỉ việc ngay”.
Người đứng đầu Đảng bộ một thành phố năng động bậc nhất cả nước luôn nêu gương nói là làm. Đảng có ra nghị quyết thì đã bàn bạc rất kỹ, nâng lên đặt xuống từng câu, từng chữ cũng nhằm làm cho thành phố tốt hơn. Thế nhưng, đã ra nghị quyết là để thực hiện thì phải tổ chức lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc để tiến hành bằng được. Muốn vậy phải khắc phục tình trạng “trên quyết dưới liệt” do đánh trống bỏ dùi…
Xem ra trong thực tiễn, không ít nghị quyết vẫn là “nghị quyết không làm”. Kể ra thì cũng có kiểm điểm, rút kinh nghiệm này nọ, thế nhưng không có ai bị cách chức, bị kỷ luật vì không thực hiện nghị quyết.
Thọ Vinh
(Năng lượng Mới số 163, ra thứ Sáu ngày 12/10/2012)