Biến vỉa hè Sài Gòn thành không gian văn hóa hấp dẫn
(PetroTimes) - Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt. Để kiến tạo và phát triển một đô thị hài hòa và bền vững, bắt buộc phải nắm được cái hồn cốt của nó. Với Sài Gòn, giá trị tinh túy của đời sống nơi đây được thể hiện ở một không gian xã hội độc đáo và không hề xa lạ: Trên vỉa hè.
Làm sao để bờ sông Sài Gòn không là "của riêng" người giàu? |
Người Sài Gòn hào hiệp |
Đã có biết bao chuyện vui buồn, tích cực và tiêu cực từ vỉa hè... |
Vừa qua, Nhã Nam hợp tác cùng Công ty tư vấn quốc tế enCity giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Đời sống vỉa hè Sài Gòn”. Đây là một nghiên cứu đặt đời sống vỉa hè dưới một ánh sáng khác, góc nhìn khác, nơi đó vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian vô hình luôn câm lặng.
Lịch sử vỉa hè Sài Gòn
Tác giả cuốn sách - GS Annette M. Kim và nhóm nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) - nhờ sống ở Sài Gòn nhiều năm mới biết rằng, cái căn cốt của vỉa hè không nằm ở lớp bê tông tạo ra nó mà là ở chính những hàng quán, sinh hoạt và câu chuyện mưu sinh đời thường.
Hơn 300 năm phát triển, đời sống vỉa hè Sài Gòn biến động cùng với các chế độ khác nhau, từ thành lũy thời đế quốc, đô thị thuộc địa Pháp, thủ đô thời hậu thuộc địa và đến nay là thành phố xã hội chủ nghĩa.
Chính quyền nào cũng muốn ra sức dẹp bỏ vỉa hè với lý do muốn thành phố trật tự và tiên tiến hơn, song việc thực thi vô cùng nan giải, những chiến dịch hăng hái nhất cũng sẽ trở nên yếu dần, sau đó lại được nới lỏng vì tác động tiêu cực về kinh tế với người dân.
Từ năm 1980 đến nay, vỉa hè Sài Gòn vẫn bền bỉ níu giữ cái không khí hấp dẫn đặc trưng của nó. Dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do thay đổi có phần cứng nhắc ở đô thị và mật độ dân số đông, nhưng không thể phủ nhận, không gian vỉa hè chính là nền móng cho đời sống văn hóa và dân sinh tại Sài Gòn.
Những hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên nhiều con đường ở Sài Gòn |
Vỉa hè - Không gian của lòng nhân ái
GS Kim cho rằng, Sài Gòn dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau.
GS Kim đã len lỏi giữa những vỉa hè Sài Gòn, quan sát và nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ đến thế, bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người.
Ở Sài Gòn, phần đông mọi người tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng ở vỉa hè. Những câu dàn xếp bâng quơ, điều chỉnh và giả đò làm lơ của hàng xóm về vấn đề sử dụng vỉa hè đã phản ánh sự khác biệt của con người Sài Gòn, cho thấy tình nghĩa dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Tấm bản đồ cho những điều bị bỏ sót
GS Kim đã nghiên cứu những không gian của vỉa hè Sài Gòn bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác. Với “Đời sống vỉa hè Sài Gòn”, bà đã giúp chúng ta nhận ra những biểu tượng và thứ ngôn ngữ độc đáo của vỉa hè.
Những hình ảnh quen thuộc như một miếng bìa được cắm vào lỗ viên gạch đứng đơn độc trên vỉa hè, những lốp xe máy được quấn giấy bạc sáng bóng bắt chéo nhau... vốn từ thị giác vô cùng phức tạp và cũng linh động tiến hóa theo dòng phát triển của Sài Gòn.
Tập trung vào hai khu vực là quận 1 và quận 5, với 275 cuộc phỏng vấn, hơn 3.000 tấm ảnh và đoạn phim cùng nhiều năm trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu, GS Kim và SLAB đã phân tích nhiều biến số, những sự kiện chưa được lý thuyết hóa để vẽ nên những tấm bản đồ tái định hình không gian công cộng như Bản đồ biểu tượng vỉa hè, Bản đồ ma, Bản đồ không gian - thời gian... và chúng đều được “con người hóa”.
Liệu vỉa hè Sài Gòn có mất đi sức hấp dẫn?
GS Kim chỉ ra rằng, ở Sài Gòn, thiết kế đô thị quy chuẩn không hề phù hợp với thực tiễn đô thị. Lấy lý do buôn bán trên vỉa hè gây cản trở giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm xấu mỹ quan thành phố, ngày càng nhiều chiến dịch giải tỏa vỉa hè được thực thi gay gắt. Nhưng mục tiêu biến Sài Gòn thành Singapore thứ hai không phải là chuyện đơn giản, không chỉ do thiếu nhân lực hay kinh phí, mà vì nét độc đáo của Sài Gòn được cả người dân lẫn khách du lịch đánh giá là nằm trên không gian vỉa hè.
Mất đi vỉa hè nhộn nhịp hàng quán và những nụ cười thân thiện, Sài Gòn có gì khác biệt với những đô thị khác?
GS Kim khảo sát khách du lịch để tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến Việt Nam? Kết quả cho thấy phần đông du khách cảm nhận Sài Gòn sôi động, thú vị và khác biệt với những thành phố khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè. Vì thế, nếu thành phố muốn phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất. Cuộc sống trong không gian vỉa hè cần được giữ lại để phát huy hết sức hấp dẫn của nó chứ không phải phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần quản lý tốt hơn.
Công ty tư vấn quốc tế enCity cũng có cùng quan điểm với GS Kim: Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt gắn với văn hóa, bối cảnh xã hội và môi trường sống của người dân địa phương. Các giải pháp phát triển và bảo tồn đô thị phải dựa trên những đặc trưng này. Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật.
Trong trường hợp vỉa hè Sài Gòn, nét đặc trưng chính là tính đa chức năng (giao thông, thương mại và không gian cộng đồng) thay vì đơn năng (chỉ dành cho giao thông) - một đặc trưng căn bản của đô thị Việt Nam, nhưng cũng là xu hướng của thế giới để tạo ra các đô thị đáng sống và bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng giám đốc enCity, một chuyên gia quy hoạch quốc tế với nhiều đồ án đã được xây dựng ở Dubai, Việt Nam và Ấn Độ - viết trong lời đề tựa của cuốn sách: “Đô thị hóa không có nghĩa là bê tông hóa và phương Tây hóa. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ những góc nhìn như thế này là phổ biến giá trị và bản sắc của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung, sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong phát triển đô thị.
Thế Vinh