10 quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo
(PetroTimes) - Trong cuộc chạy đua hướng tới một tương lai carbon thấp, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang phát triển năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt... được xem là xu thế tất yếu. Dưới đây là 10 quốc gia hàng đầu trong chuyển đổi năng lượng tái tạo.
1. Mỹ
Bang Taxas là bang đứng đầu về điện gió ở Mỹ |
Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất ở Mỹ, với mức tăng 42% từ năm 2010 đến 2020 hoặc 90% từ năm 2000. Năm 2020, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm gần 20% sản lượng điện của đất nước, 7,3% trong số đó đến từ thủy điện và 8,4% từ điện gió. Trong khi đó, năng lượng mặt trời đóng góp 3,3% vào sản lượng điện của Mỹ trong cùng năm. Nó cũng là nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất. Tổng cộng, thêm 256GW công suất tái tạo đã được báo cáo vào năm 2020 tại Mỹ.
2. Maroc
Trang trại điện mặt trời ở Maroc |
Maroc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vì nước này nằm trong một điểm nóng đang ấm dần lên. Năm 2009, quốc gia này tuyên bố sẽ sản xuất 42% điện năng được sản xuất bằng năng lượng tái tạo vào năm 2020, điều mà Maroc đã không đạt được. Nhưng Maroc vẫn sản xuất được 37% điện năng từ các nguồn tài nguyên tái tạo. Ngay sau đó, Chính phủ Maroc đã thông báo rằng nước này sẽ đặt mục tiêu tăng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên tới 52% vào năm 2030. Mục tiêu 52% bao gồm 20% điện mặt trời, 20% điện gió và 12% điện gió.
3. Trung Quốc
Theo IHA, Trung Quốc là nhà sản xuất thủy điện hàng đầu |
Mặc dù là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới song Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo. Năm 2017, Trung Quốc có công suất điện gió và điện mặt trời được lắp đặt nhiều nhất. Trung Quốc cũng sản xuất hơn 70% nguồn cung cấp mô-đun điện mặt trời toàn cầu.
Theo Hiệp hội Thủy điện quốc tế (IHA), Trung Quốc là nhà sản xuất thủy điện hàng đầu với công suất lắp đặt là 370.160 MW vào năm 2020. Cùng năm, nước này cũng bổ sung thêm 71,67 GW công suất điện gió, gấp gần 3 lần so với mức của năm 2019. Tháng 9/2020, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, cam kết tạo ra 35% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 bên cạnh việc làm sạch không khí ô nhiễm.
4. Đan Mạch
Dự án điện gió DanTysk ngoài khơi Đan Mạch |
Theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch, quốc gia này đang làm tốt quá trình thực hiện mục tiêu của mình khi đã sản xuất 56% điện trong nước từ năng lượng tái tạo trong năm 2015. Năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo đóng góp 67% sản lượng điện cả nước, trong đó năng lượng gió đóng góp 46,8% và sinh khối đóng góp 11,2%. Quốc gia này đặt mục tiêu đạt 100% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2035 và hoàn toàn dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
5. Uruguay
Uruguay sản xuất gần 100% điện từ các nguồn tái tạo |
Uruguay là nhà vô địch Nam Mỹ về năng lượng tái tạo, có hơn 97% khu vực đất nước được cung cấp năng lượng xanh vào năm 2018. 60% sản lượng năng lượng của họ đến từ thủy điện, trong khi phần còn lại đến từ gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học. Năm 2020, tổng công suất lắp đặt của Uruguay là 4.924MW, trong đó các nhà máy thủy điện đóng góp 1.538MW, điện gió 1.514MW, nhiệt điện 1.190MW, sinh khối 425MW và các nhà máy năng lượng mặt trời 258MW.
6. Đức
Công viên năng lượng của Đức |
Đức luôn là quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ năng lượng xanh. Đến năm 2020, năng lượng tái tạo đã cung cấp 45,3% lượng điện tiêu thụ. Chính phủ Đức đặt mục tiêu tất cả các nhu cầu sử dụng điện của Đức sẽ được đáp ứng 100% bằng nguồn cung từ năng lượng tái tạo vào năm 2035. Quốc gia này cũng đã lên kế hoạch tiến tới loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 và đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại vào cuối năm nay. Theo bản dự thảo kế hoạch, Đức đã sẵn sàng tiến hành các sửa đổi tương ứng đối với Luật Năng lượng tái tạo (EEG), theo đó tỉ lệ điện gió và điện mặt trời của quốc gia này được kỳ vọng sẽ đạt 80% vào năm 2030.
7. Scotland
Trang trại điện gió Beatrice ở ngoài khơi của Scotland |
Năm 2018, 98% sản lượng năng lượng ở Scotland đến từ năng lượng gió. Nước này sau đó tiếp tục đáp ứng 90,1% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2019. Trong khi đặt mục tiêu là 100%, sản lượng năng lượng tái tạo của Scotland đã đạt 97,4%. Hầu hết sản lượng năng lượng tái tạo là năng lượng gió. Với tiềm năng to lớn từ điện gió ngoài khơi, Scotland kỳ vọng sẽ trở thành một nhà sản xuất hàng đầu về năng lượng xanh. Các ước tính rằng nền kinh tế Scotland sẽ đạt mức tăng 1 tỉ bảng Anh cho mỗi gigawatt (GW) điện sạch, mang lại tổng lợi ích khoảng 25 tỉ bảng Anh.
8. Nicaragua
Địa nhiệt đóng góp 21% vào nguồn cung năng lượng tái tạo của Nicaragua |
Nicaragua có thể chỉ đạt 98,5% điện khí hóa vào tháng 12/2020, với hơn 1,23 triệu ngôi nhà được điện khí hóa. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 75,2% sản lượng điện của nước này trong cùng năm, tăng từ 60% năm 2019 và 26% năm 2006. Đóng góp lớn nhất là địa nhiệt với 21%, tiếp theo là điện gió ở mức 16%, thủy điện là 15%, sinh khối là 14% và năng lượng mặt trời là 0,6%. Ngoài ra, nhập khẩu năng lượng tái tạo chiếm gần một phần ba năng lượng tiêu thụ của nước này.
9. Costa Rica
Costa Rica đã sản xuất hơn 98% điện năng từ thủy điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và gió |
Quốc gia Trung Mỹ Costa Rica khơi được toàn bộ sức mạnh của mình từ nguồn xanh. Kể từ năm 2014, Costa Rica đã sản xuất hơn 98% điện năng từ thủy điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và gió. Trong đó, 67,5% năng lượng đến từ thủy điện, 17% từ gió, 13,5% từ các nguồn địa nhiệt và 0,84% từ sinh khối và các tấm pin mặt trời. Mặt khác, các nhà máy dự phòng sản xuất 1,16% còn lại. Theo số liệu do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố năm 2018, cho thấy Cộng hòa Costa Rica đã đứng đầu về tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong số 175 quốc gia thành viên IRENA.
10. Thụy Điển
Khoảng 45% sản lượng điện ở Thụy Điển đến từ thủy điện |
Chính phủ Thụy Điển đã tuyên bố vào năm 2015 sẽ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi sản xuất điện ở nước này vào năm 2040. Từ thời điểm đó, Thụy Điển không ngừng đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió, lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh và giao thông sạch. Thụy Điển đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới.
Thông tin từ nước này cho thấy, khoảng 75% sản lượng điện ở Thụy Điển đến từ thủy điện (45%) và điện hạt nhân (30%). Hiện có 3 nhà máy hạt nhân với 6 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trong cả nước. Năng lượng gió đóng góp vào sản xuất năng lượng 17%, trong khi các nhà máy nhiệt và điện kết hợp đóng góp 8%.
Mỹ: Nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ năng lượng xanh |
Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới |
5 quốc gia châu Á góp mặt trong bảng xếp hạng điện mặt trời toàn cầu |
Thanh Sơn