Tổng thống Biden bất ngờ ra lệnh không kích Syria
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/8 đã hạ lệnh không kích các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria để bảo vệ lực lượng của Mỹ.
Ông Biden hủy cuộc không kích Syria thứ 2 vào phút chót |
Xung quanh quyết định không kích Syria của chính quyền Biden |
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP). |
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ, quân đội nước này đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào "cơ sở hạ tầng do các nhóm có liên hệ với Vệ binh Quốc gia Iran sử dụng" ở tỉnh Deir ez-Zor, Đông Bắc Syria.
"Theo lệnh của Tổng thống Biden, quân đội Mỹ đã không kích chính xác mục tiêu ở Deir ez-Zor nhằm bảo vệ lực lượng của Mỹ khỏi các cuộc tấn công tương tự vụ việc xảy ra hôm 15/8 của các nhóm do Iran hậu thuẫn nhằm vào quân nhân Mỹ", người phát ngôn Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ Joe Buccino cho hay.
Vụ việc ngày 15/8 mà Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ đề cập đến là vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở quân sự của Mỹ và lực lượng đồng minh ở Syria mà Washington nghi ngờ có liên quan đến các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn.
Ông Buccino cho biết thêm, máy bay Mỹ đã nhắm vào một số hầm ngầm mà lực lượng thân Iran sử dụng để chứa vũ khí, hỗ trợ hậu cần. Quân đội Mỹ đã theo dõi tổng cộng 13 hầm ngầm trong vòng hơn 400 giờ trinh sát. Washington ban đầu dự định không kích 11 trong số 13 hầm này vì lý do không chắc chắn 2 hầm kia đã sơ tán. Tuy nhiên vào phút chót, Mỹ phải tiếp tục loại 2 hầm nữa khỏi tầm ngắm do phát hiện một nhóm nhỏ người ở gần đó.
Theo đánh giá ban đầu, đợt không kích không gây thương vong.
Đây không phải lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Mỹ không kích lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Hồi tháng 6 năm ngoái, quân đội Mỹ từng tấn công kho vũ khí và cơ sở quân sự của lực lượng này ở cả Syria và Iraq.
Tổng thống Biden ra lệnh không kích lực lượng do Iran hậu thuẫn ngay giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) đề xuất khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA.
Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, Mỹ, EU và Iran đã ký JCPOA vào năm 2015. Theo JCPOA, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện với Iran. Chính quyền Iran đã đáp trả bằng cách dần từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận.
Theo Dân trí