Trung Quốc - Thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam
(PetroTimes) - 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trên 945.000 tấn phân bón các loại, tương đương 386,6 triệu USD, giảm 24,3% về lượng, nhưng tăng 14% về giá trị. Quốc gia này vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam.
7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc hơn 945.000 tấn phân bón các loại |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022 cả nước nhập khẩu 168.755 tấn phân bón, tương đương 66,87 triệu USD, giá trung bình 396,2 USD/tấn. Nhập khẩu phân bón giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 6/2022, với mức giảm tương ứng 27%, 37,9% và 14,8%. So với tháng 7/2021 thì giảm mạnh 67% về lượng, giảm 57,5% kim ngạch nhưng tăng mạnh 29% về giá.
Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 1,95 triệu tấn, trị giá trên 911,06 triệu USD, giá trung bình đạt 468,2 USD/tấn; giảm 31,2% về khối lượng, nhưng tăng 13,3% về kim ngạch và tăng 64,7% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc trong tháng 7/2022 giảm trở lại sau 3 tháng tăng liên tiếp, giảm 21,8% về lượng, giảm 27,6% kim ngạch, giảm 7,4% về giá so với tháng 6/2022. Đạt gần 108.000 tấn, tương đương 42,13 triệu USD với giá trung bình 391,4 USD/tấn.
Nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2022. |
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam khi tính tổng 7 tháng đầu năm, nguồn cung từ Trung Quốc chiếm 48,6% trong tổng lượng và chiếm 42,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước; đạt hơn 945.000 tấn, tương đương 386,9 triệu USD, giá trung bình 409 USD/tấn, giảm 24,3% về lượng, nhưng tăng 14% về kim ngạch và tăng 50,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ 2 là thị trường Đông Nam Á, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này hơn 157.600 tấn phân bón các loại, tương đương 98,3 triệu USD, giảm mạnh 56,5% về lượng, giảm 16,7% kim ngạch so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Tiếp đến là thị trường Nga, trong 7 tháng đầu năm 2022, thị trường Nga chiếm 7,7% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch, với hơn 149.500 tấn, tương đương 96,7 triệu USD với giá trung bình 647 USD/tấn. Tuy giảm 39% về lượng nhưng tăng 22,4% về kim ngạch và tăng 100,6% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam dự báo, giá phân bón tại Trung Quốc sau tháng 6 sẽ tăng. Trên thế giới cũng sẽ có biến động về giá theo xu hướng tăng bởi nguồn cung hạn chế và các quốc gia lớn về nông nghiệp như Brazil sẽ bắt đầu vụ mùa mới sau tháng 7.
Phân bón chịu nhiều áp lực tăng giá Thị trường thế giới ghi nhận giá phân bón hiện đang duy trì ở mức ổn định nhưng với sự đồng loạt tăng giá một số nguyên liệu sản xuất phân bón khiến nỗi lo ngại giá phân bón sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. |
P.V (t/h)